Monday, July 11, 2011

TÌM HIỂU VỀ VĂN HÓA MIỀN TÂY


Theo lời yêu cầu của bạn hữu ở Âu châu và Bc Mỹ, bài sưu tầm này phỏng ra từ nhiều tài liệu và được viết bằng 3 thứ tiếng hầu mong thế hệ con em chúng ta hiểu được phần nào văn hóa và nguồn gốc miền Tây của cha mẹ chúng…Người viết xin đặc biệt cám ơn các bạn hữu – Trần Thu Hương (Texas), Hùynh Ngọc Minh (Oregon), Cathy Phan (California), Nguyễn Thị Mỹ Hường (France), G.S Nguyễn Chí Thân (Sunderland University Thủ Đức)  và Nguyễn Tuyết (Belgium) đã góp ý kiến và sửa chữa để cho bài viết được hòan chỉnh và chính xác hơn…

Phần 1 – Lịch sử và địa danh

Quê hương tôi có con sông dài xinh xắn,
Nước tuôn trên đồng ruộng vắng,
Lúa thơm cho đủ hai mùa,
Dân trong làng trời về khuya vẳng tiếng đê mê…
Tình hoài hương - Phạm Duy

Lời phi lộ: Từ thuở bé tôi đam mê mấy bản nhạc đầy ắp tình quê hương – làng tôi, tình hoài hương, Việt Nam quê hương tôi, hương đất, v.v.v..... Những bài hát ấy vẫn nằm mãi trong tiềm thức của tuổi thơ cho đến ngày nay...Tôi có một hoài bão rằng là một ngày nào đó sẽ tìm hiểu về nguồn cội quê hương xứ sở thân thương của mình… xứ miền Tây Nam bộ …
          Quê hương là nơi mà mình sinh ra đời và lớn lên ở đó, sống hầu hết thời kỳ thơ ấu với rất nhiều kỷ niệm. Ông cha ta thời xa xưa đều sống bằng nghề nông và thường định cư ở một nơi, đời nọ sang đời kia. Vì vậy nên khi nói đến quê hương là người ta liên tưởng đến một làng quê với luỹ tre xanh, với đồng lúa vàng cò bay thẳng cánh...
          Cho dù quê hương tôi còn nhiều điều chưa được tốt đẹp và hoàn hảo cho lắm, đồng bào tôi vẫn còn nghèo khổ lắm nhưng nơi đó vẫn là nơi mà tôi đã được dạy cho biết đó là quê hương tôi.
Quê hương không phải là cái gì lớn lao hơn những gì còn mãi trong đời người như tình yêu, nỗi nhớ. Quê hương vẫn là nơi mà chúng ta vẫn nhớ, vẫn thương, vẫn mong muốn cho quê mình ngày càng khấm khá hơn, vẫn muốn trở về sống trong tình làng nghĩa xóm tràn đầy yêu thương, vui vẻ…Không phải đến bây giờ sau bao nhiêu năm sống xa quê hương, đất nước, con người mới thấy nhớ về quê hương xưa cũ. Cho dù ngày nay những người bỏ xứ ra đi đã có nhiều người làm nên sự nghiệp huy hoàng, nắm những vai trò cao cấp trong xã hội mới. Thế nhưng lòng hoài hương vẫn theo đuổi trong tâm tư trên bước đường lữ thứ.
Dải đất hình chữ S mà Chế Lan Viên ví như "một con tàu xẻ sóng", đã chịu đựng quá nhiều đau thương bất hạnh trong suốt hàng thế kỷ chiến tranh. Dải đất hình chữ S kia đối với tôi là hình ảnh của một giọt nước mắt chảy dài trong đêm tối, là bóng dáng co ro của mẹ Việt Nam đang ngóng trông những đứa con còn mãi miệt mài mưu sinh nơi đất khách quê người...xa tít bên kia bờ đại dương…
Tình quê hương đã nằm trong máu huyết của mỗi chúng ta. Miền Tây là nơi đã nuôi dưỡng và bao bọc chúng ta, nơi có những cánh đồng lúa vàng, tha ruộng xanh rì, là nơi có dòng sông tắm mát của tuổi thơ với những cành cây nặng trĩu trái ngọt và bà con dòng họ làm ta mãi thổn thức mỗi khi nhớ về…Trải qua lịch sử mấy ngàn năm văn hiến của dân tộc Việt Nam, chưa bao giờ người dân Việt phải ra đi nhiều và tha hương lưu lạc khắp nơi như vậy. Chúng ta tưởng đã vĩnh viễn cách xa, là ngàn trùng ly biệt. Nhưng trong thực chất mỗi con người chúng ta vẫn còn cái tình đối với quê hương và cái nghĩa đối với dân tộc. Tình nghĩa ấy đã giúp dân tộc Việt tồn tại mãi đến ngày hôm nay.
Chúng ta luôn hướng về quê hương với những kỷ niệm thời ấu thơ, từng sống dưới những mái nhà tranh êm đềm bên cạnh luỹ tre xanh, nhớ về con đường làng đến bờ kinh xanh sau làn khói lam chiều. Ngày xưa chúng ta ra đi phải gạt đi những giọt nước mắt vì ngày về thì quá xa. Ngày nay trở lại miền Tây sau bao nhiêu năm xa cách. Trên đường về làng xưa, qua những phố xá đông người, những con đường xưa bị đổi tên xa lạ, nhiều ngôi nhà mới cất nguy nga, tráng lệ bên cạnh những mái nhà tôn còn hoen ố màu của rỉ sét thời gian, con đường xưa yên tĩnh bây giờ trở thành những khu phố ‘’thương mại" buôn bán tấp nập, với đủ kiểu kinh doanh hè phố, với những tương phản của cuộc sống, những náo nhiệt của tuổi trẻ và những suy tư của người già…. 
          Mời bạn hãy cùng chúng tôi đi ngược dòng thời gian để trở lại chốn xưa, chia sẻ những bồi hồi xúc động khi thăm lại con đường xưa, xóm cũ đầy ắp kỷ niệm ấu thơ...Và để tìm hiểu thêm về văn hóa miền Tây, chúng ta thăm lại non sông cẩm tú ấy với Mỹ Tho Đại phố, qua bến Ninh Kiều diễm lệ bên cạnh dòng sông Cần Thơ, về Bạc Liêu để nghe lại bài dân ca dạ cổ hoài lang, đến Sóc Trăng để nghe lòng rộn rã hồi hộp khi dự lễ đua ghe Ngo, về Cà Mau thăm lại rừng tràm rừng mắm...
          Kính dâng lên hương hồn cha, người đã sớm hun đúc cho con cái một tấm lòng luôn thiết tha với quê hương, để viết lên những huyền thoại vẻ vang của dân miền Tây cũng như xứ sở Việt Nam …
                                                           ----o0o---
                              
Miền Tây và Văn hóa Óc Eo

Năm 1679, hai di thần nhà Minh là Trần Thắng Tài và Dương Ngạn Địch đem binh biển và gia quyến với 3000 người, hơn 50 chiến thuyền di tản về  phương nam đến gần kinh đô Thuận Hóa, với lòng mưu cầu phục Minh sau này, đến để xin được chính quyền Việt Nam giúp đỡ. Chúa Nguyễn, Hiền Vương, nghĩ nếu từ chối và đuổi đi, thì đám tàn quân nầy vì cùng đường có thể đánh phá ta, nên tiếp đãi niềm nở, còn khoản đãi, phong chức và cho phép vào phía nam khẩn hoang, lập nghiệp ở Biên Hòa, Cù Lao Phố, và Định Tường – Mỹ Tho Đại phố với lời chỉ dẫn “đó là vùng đất mới của ta” [1][2].
Điều đáng chú ý là đòan chiến thuyền này được đưa vào Nam có người hướng dẫn thần tình. Chứng tỏ thời chúa Nguyễn vùng đất vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long được nghiên cứu kỹ lưỡng tường tận.
Tướng Trần Thắng Tài vâng lệnh Chúa Nguyễn dẫn một đoàn quân với chiến thuyền đi về vùng Biên Hòa để khai phá và định cư lập nghiệp. Phần đất này là căn cứ xuất phát của người Việt đầu tiên xâm nhập bằng đường lối hoà bình vào lảnh thổ Miên. Dần dần người Việt đuổi dân Khmer về miền Tây Nam phần. Người Miên phải bỏ làng mạc và ruộng đất, sống ẩn náu trong các rừng rậm hoặc đầm lầy. Họ mở mang thương mãi và chỉ trong ít lâu biến Cù Lao Phố thành một trung tâm thương mãi trù phú. Đến khi Tây Sơn tiến đánh vào Nam, một phần dân cư ở đây di tản về Bến Nghé sanh sống. Họ chuyên thu mua và bán nông phẩm từ phía Định Tường chở tới. Bến Nghé sau này trở thành Chợ Lớn và hoạt động kinh tế vẫn còn nằm trong tay người Hoa. Trong lúc đó, tướng Dương Ngạn Địch dẫn một đoàn quân kéo về Định Tường định cư lập nghiệp. Cánh nầy chuyên về nông nghiệp. Họ lập ra những nông trại, dần dần mở mang ra thành Vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long ngày nay. Vào thời đại nây nền kinh tế miền Nam bộ rất phồn thịnh. Vào cuối thế kỹ 16 với sự thông thương buôn bán với những nước Tây phương như Tây ban Nha, Bồ Đào Nha, Pháp, Hòa Lan và Anh Quốc làm đất nước thêm trù phú. Vào thời đại nầy đạo Thiên Chúa giáo cũng bắt đầu gia-nhập vào đời sống tín ngưỡng của người Việt Nam.
Vào thời gian ấy năm 1695, Mạc Cửu từ Thái Lan qua, đặt chân ở Hà Tiên, lập ra thương cảng, một thời buôn bán phồn thịnh. Sau nhiều lần bị Xiêm La (Thái Lan) và Chân Lạp (Cao Miên) uy hiếp, Mạc Cửu chấp nhận thuần phục Nhà Nguyễn và được chúa Nguyễn phong chức quan, cai quản phần đất Hà Tiên để về sau nầy nối liền với Rạch Giá [2].
Cũng vào triều đại nhà Lê Chiêu Thống, đất Bắc ngự trị bởi chúa Trịnh trong khi miền Nam là đất của Nhà Nguyễn, nên khi Gia Long (Nguyễn Ánh) tẩu quốc, chạy vào Định Tường, Ba Giồng, được dân chúng miền Nam khắp nơi niềm nở đón tiếp và phục vụ nhà vua tận tình. Trịnh Nguyễn phân tranh cũng vào thời đại từ 1627 đến 1772.. Từ khi hoàn toàn chinh phục miền Nam năm 1802, nhà Nguyễn chiêu mộ dân lập ấp đưa về miệt dưới như Ba Xuyên, Cà Mau, Rạch Giá. Trong chương trình lập ấp, tức tổ chức định cư về mặt xã hội, chính quyền nhà Nguyễn kêu gọi những tù phạm nếu hưởng ứng chương trình này họ sẽ được khoan hồng. Nhà Nguyễn theo đuổi mục tiêu chiến lược là mở rộng bờ cõi về phía Nam, thiết lập và củng cố chính quyền miền Nam, tổ chức phòng thủ chống ngoại xâm. Và lãnh thổ Nhà Nguyễn từ đó chạy dài tận mũi Cà Mau….Theo sự suy diễn thì chúa Nguyễn có công to lớn trong việc mở mang bờ cỏi và khai thác vùng đất màu mở và trù phú bị bỏ hoang để trở thành miền Tây trù phú phồn thịnh hơn các nơi khác trên toàn quốc.
Để có một ý niệm khái quát, chúng ta không thể tách rời lịch sử của đất miền Tây ra khỏi lịch sử của nước Phù Nam, của nước Chân Lạp và lịch sử các nước chịu ảnh hưởng của văn hoá Ấn Độ nói chung[2].
Cũng theo người làm sử [1] thì thành cổ Óc-Eo là một thương cảng sầm uất thời trung đại bị chìm dưới lòng đất, được nhà Khảo cổ tên Francois Malleret tiến hành khai quật vào ngày 10 tháng 2 năm 1944 (xã Vọng Khê, huyện Thoại Sơn cách thành-phố Long Xuyên 30Km về phía tây nam) đã làm "sống lại" một nền văn hóa cổ, đã hình thành và phát triển trên châu thổ sông Cửu Long từ thế kỷ thứ I đến thế kỷ thứ VII sau công nguyên. Nhiều công trình nghiên cứu khoa học dựa vào các kết quả khai quật khảo cổ đã chứng minh văn hóa Óc Eo là sản phẩm vật chất của Vương quốc Phù Nam. Qua những kết quả nghiên cứu, hình thái văn hóa Óc Eo - Phù Nam đã được hình thành khá rõ nét, với một số đặc trưng tiêu biểu như: một số kỹ thuật làm đầm lầy khá cao, thể hiện qua cách giải quyết đất thấp làm nơi cư trú bằng cách cất và nâng cao nhà sàn bằng gỗ, việc thực hiện hệ thống kênh đào tỏa rộng ở nhiều nơi trên đồng bằng châu thổ sông Cửu Long mà dấu vết còn quan sát được bởi nhà khảo cổ. Phần lớn những di tích kiến trúc của Phù Nam là những đền thờ và mộ táng với một loại hình kiến trúc gạch đá hỗn hợp có quy mô lớn bằng kỹ thuật xây nền và tường gạch dày đặc, lối lắp ráp những phiến đá granit lớn, v.v.v…
Văn hóa Óc Eo có những giao lưu văn hóa rộng lớn với những nền văn minh thời cổ đại như với văn minh Đông Sơn (những hoa văn trang trí và những hiện vật đồng kiểu tương tự như văn minh Đông Sơn); với Ấn Độ (những tượng thờ thuộc Ấn Độ giáo, Phật giáo, đồ trang sức, con dấu, văn tự…); với thế giới Địa Trung Hải và Trung Đông (huy chương La Mã, đồng tiền bằng đồng, tượng đồng, hạt chuỗi La Mã...); và với Trung Hoa (mảnh gương đồng, tượng phật nhỏ). Tỉnh Tiền Giang vào những thế kỷ đầu công nguyên thuộc vương quốc Phù Nam và những vết tích của nền văn hóa này hiện vẫn còn được lưu giữ ở bảo tàng viện vùng nầy.
Theo những khám phá của các nhà khảo cổ học, con người đã có mặt ở vùng đất miền tây Nam Bộ khá lâu đời. Nếu căn cứ theo những di chỉ cư trú và di cốt của con người ở Óc Eo, Ba Thê, Núi Nổi… thì từ cách đây từ 2,000-3,000 năm, con người đã có mặt ở vùng đất còn chứa nhiều nước mặn, sình lầy, cây dại và dã thú này; đồng thời họ cũng để lại nhiều dấu ấn văn hóa khá đặc trưng về vùng miền, mà sinh động và thiết thực nhất là ở vùng tứ giác Long Xuyên và U Minh Thượng. Rất tiếc là các di tích của nền văn minh ấy chỉ cho chúng ta thấy rằng, nền văn minh ấy chỉ hứng khởi lên khoảng vài trăm năm rồi bị chìm lấp trong lòng đất miền Tây, với những hình ảnh hư ảo còn lại của một vương quốc Phù Nam trong sử sách.
Công cuộc mở đất phương Nam chỉ thật sự định hình từ những cuộc di dân lớn của người Việt ở đầu TK 17. Chỉ đến khi nhà Nguyễn tiến hành những cuộc di dân theo cách qui mô từ vùng Ngũ Quảng trở vào - Quảng Nam, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Đức (Thừa Thiên), và Quảng Nghĩa(Quy Nhơn), kết hợp với sự di dân lẻ tẻ sau thất bại của nhà Minh trước triều Mãn Thanh (do Dương Ngạn Địch, Trần Thắng Tài và Mạc Cửu cầm đầu), cùng với việc di dân lẻ tẻ trước TK 15 của những lớp cư dân cổ Khmer đến từ nhiều vùng trên đất nước Campuchia, tràn về theo sông Tiền, sông Hậu để tránh họa diệt tộc của vua chúa Xiêm La, và sự di dân tự nhiên của người Chàm Hồi giáo đến vùng Châu Đốc, kết hợp với quá trình chuyển cư tại chỗ của cộng đồng các tộc người để lập làng lập ruộng, vùng văn hóa mang bản sắc miền Tây Nam Bộ mới thật sự hình thành. Nhờ quá trình sinh sống gần gũi giữa các cộng đồng dân tộc tạo nên những tiếp xúc văn hóa với nhiều đặc trưng  khác nhau, làm nên tính chất văn hóa, kinh tế của một vùng đất miền Tây rộng lớn. Đây là một vùng văn hóa trẻ, phong phú, đa dân tộc, đa tôn giáo và đa màu sắc. Song những đặc trưng văn hóa của các tộc người anh em khác vẫn tồn đọng sâu đậm trong nông thôn của nhiều vùng - đặc biệt là những vùng có tính chất khu biệt như Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, An Giang, Kiên Giang và Cà Mau.
Từ giả thuyết trên chúng ta có thể suy diễn rằng tổ tiên của dân tộc miền Tây là sự kết hợp của những tàn quân Tây Sơn lánh nạn để thoát vua Gia Long đến từ vùng Ngũ Quảng và An Khê (Pleiku) cộng với sự di dân của nhà Minh trước triều Mãn Thanh, sự di dân của người Khmer để tránh sự diệt chủng của vua chúa Xiêm La và người Chàm hồi giáo. Dần dần họ trở thành những nhà nông biết trồng trọt lúa gạo, biết dựng nhà, đóng thuyền, luyện kim, dệt vãi, chế tạo đồng thao, vẽ tranh tạc tượng, suy nghĩ khoa học và cũng có thể sáng tạo được chữ viết. Và cũng do sự tình cờ của lịch sử hơn nghìn năm dài Bắc thuộc và hơn trăm năm lệ thuộc Pháp đã đóng góp nhiều cho nền văn hóa miền Tây…
Để tìm hiểu đặc trưng văn hóa miền Tây, tất nhiên phải quan sát tính cách con người để xem xét. Bởi vì con người là chủ nhân của mọi ngôn ngữ và hành động, tác động sâu sắc đến âm nhạc, văn học, cũng như kiến trúc, những lễ hội và phong tục. Chúng ta thử tìm hiểu những nét đặc sắt của nền văn hóa miền Tây như tết Nguyên Đán, tết Trung Thu, tết Thanh Minh, tục thờ cúng và làm giỗ Ông Bà và tổ tiên, lễ cưới hỏi, lễ cúng trăng với đua ghe Ngo Sóc Trăng, lễ Phật Đản và Vía Bà Châu Đốc, dân ca miền Tây và Chợ nổi Cái Bè, Cái Răng, Ngã Bảy…


Chợ nổi Cái Bè/ Ngã Bảy/Cái Răng/Ngã Năm

           Người dân miền Tây chủ yếu đi lại bằng kênh rạch nên tốt nhất chở ra một đầu mối ở sông để mà bán, từ đó hình thành một cái chợ nổi. Nhưng chợ nổi miền Tây rất sinh động, sinh động hơn cả chợ nổi ở Thái Lan, một khu chợ nhân tạo, trong khi đó chợ nổi của ta hình thành từ tập quán sinh sống với những sản vật phong phú miền Tây gồm các văn hóa nổi bật như: trao đổi, giao tiếp, hò đối đáp, đờn ca tài tử, hát bội và sân khấu cải lương... Trong văn hóa sông nước miền Nam bộ thì chợ nổi Ngã Bảy, Cái Răng, Cái Bè và Ngã Năm có nét đặc thù riêng biệt. Theo sự nghiên cứu thì những chợ nổi này đã hình thành hơn trăm năm nay.[4]
Đối với những người mua bán ở chợ nổi, chiếc ghe dùng để chở hàng hóa cũng là căn nhà di động. Mọi hoạt động mua bán, sinh hoạt của gia đình đều diễn ra trên ghe. Khoảng không gian tuy hẹp nhưng cũng đủ gói ghém những vật dụng cần thiết cho cuộc sống hàng ngày.
Đến chợ nổi, bạn sẽ chứng kiến cảnh mua bán rau quả, đặc sản địa phương hàng hoá rất đa dạng, phong phú và có thể trao đổi hàng hoá nông sản của miền Tây Nam bộ như: xoài, mận, cam, bưởi, vú sữa, ổi, hành, ớt... Rất nhiều loại hàng quán khác mọc ven sông như phở, hủ tiếu, cà phê, quán nhậu nổi ngay cả xăng dầu cũng có... Từ ngàn xưa, khi tiền tệ chưa xuất hiện, việc trao đổi mua bán cuả người dân miền Tây sông nước qua hình thức "hàng đổi hàng". Ngày nay, hình thức này đã không còn tồn tại. Vì thế cư dân gần đây đã tái hiện lại phong tục này mà chính du khách là người trao đổi với những chủ ghe bán loại trái cây, rau quả mà khách thích. Nét đặc trưng trong cách thức mua bán ở chợ nổi là không phô trương hàng hóa hoặc rao hàng như các chợ trên đất liền, mà từ lâu người ta đã dùng tín hiệu. Sản phẩm miệt vườn được treo trên một cây sào cắm trước mũi ghe gọi là “cây bẹo”. Người mua chỉ cần nhìn vào “cây bẹo” là biết ngay ghe bán thứ gì.
Mỗi chợ nổi miền Tây có một nét đặc trưng của từng địa phương. Ví dụ chợ nổi Ngã Bảy ở đây mặt sông mênh mông rẽ về bảy ngã. Từ các ngã, thuyền bè tấp nập tụ về đây. Chợ ở trên mặt đất có những thứ gì, thì chợ nổi cũng đủ những mặt hàng mà người dân cần, từ cái kim sợi chỉ cho đến quần áo, thức ăn, rượu thịt... còn các loại trái cây thì nhiều vô kể. Từ chợ nổi, người ta sẽ được cập bến để lên chợ rắn. Cái tên chợ rắn Ngã Bảy cũng đã rất quen thuộc với du khách quốc tế. Đến tham quan chợ rắn, bạn sẽ được mời uống rượu rắn và được xem những màn biểu diễn múa rắn rất mạo hiểm. Chợ Ngã Bảy quanh năm có rắn, rùa, chim, sóc, kỳ đà … phục vụ du kháchTrong khi chợ nổi Cái Răng thu hút khá đông du khách đến tham quan và tăng gấp bội vào những ngày giáp Tết nhờ ở gần trung tâm thành phố. Đến chợ này bạn sẽ có dịp trò chuyện với các nhà vườn xung quanh về những kinh nghiệm trong việc trồng cây trái ngon ngọt của họ. Đôi khi khách còn được nhà vườn biếu những loại trái ngon, vật lạ làm quà hoặc mua với giá rất rẻ. Sản phẩm chợ nổi Cái Răng để lại dấu ấn trong văn minh thương mại sông nước. Chợ Nổi Cái Răng được xem như là sản phẩm đặc thù của thành phố Cần Thơ cũng như sông nước đồng bằng.
Ngày nay khi ta đến với vùng đất Miền Tây đi qua sông Tiền, Sông Hậu sẽ được nghe nhắc đến những khu chợ nổi đặc trưng của Miền Tây như: chợ nổi Cái Bè (Tiền Giang), chợ nổi Cái Răng, Phụng Hiệp ( Cần Thơ), chợ nổi Ngã Năm (Sóc Trăng)…những khu chợ nổi này đã gắn bó với người dân và hơn nữa trong xu thế phát triển và hội nhập của đất nước những khu chợ nổi này đã trở thành một loại hình văn hoá du lịch hấp dẫn đới với du khách trong nước và quốc tế. Ngày nay, dẫu đường bộ đã phát triển đến tận những vùng nông thôn hẻo lánh của thành phố miền Tây, nhưng các chợ trên sông vẫn tiếp tục tồn tại, tiếp tục họp tan theo con nước lớn ròng - một nét văn hóa đặc sắc của người dân miền sông nước đồng bằng…

Dân ca (Vọng Cổ và Cải Lương) Nam Bộ
Bản vọng cổ đã có sức sống mãnh liệt trong lòng công chúng, nó chiếm lĩnh tình cảm tất cả các tầng lớp từ trí thức, đến những người bình dân nhất... Chỉ có câu chữ nhạc trong khuôn khổ nhất định mà mỗi người đờn nghe khác nhau về âm sắc, người ca nhiều hơi, kỹ thuật giọng điệu cũng khác nhau, người viết lời khác nhau tạo hương sắc bản vọng cổ muôn màu muôn sắc tuyệt vời.
Ai là người sáng lập nhạc dân ca vọng cổ Nam bộ vẫn còn là đề tài để bàn.  Theo sử liệu [3] thì người miền Tây biết là năm 1919 bài Dạ Cổ Hoài Lang được sáng tác bởi nhạc sĩ Cao Vân Lầu ra đời tại Bạc Liêu và cũng là sự khởi đầu của nền vọng cổ và cải lương Nam bộ. Từ bản chất phóng khoáng và nếp sống của dân miền Tây đã làm cho nền cải lương trở nên dân dã. Mặt khác do lòng luôn thương nhớ cội nguồn nên các điệu cải lương phản ảnh phần nào nỗi buồn trong bài ca và cũng được người mộ điệu ưa thích. Bản vọng cổ và cải lương là giai điệu đời sống tình cảm của người miền Tây. Cũng ở vùng miềnTây nầy, tới đâu ta cũng gặp cảnh sông nước mênh mang, kênh rạch chằng chịt chia xẻ các miệt vườn, đem phù sa tắm mát cho cây trái. Ở mảnh đất giàu hoa quả và trí dũng này, tới đâu ta cũng gặp những điệu hò, điệu lý, tới đâu ta cũng gặp những cây cầu, từ "cầu tre lắc lẻo gập ghềnh khó đi" tới "cầu ván đóng đinh", rồi cầu xi măng, cầu sắt... Ở đó ta sẽ gặp những nhóm  "đàn ca tài tử " được hình thành từ một số người có khả năng đồng thời cũng say mê với những điệu  hò, điệu lý và vọng cổ Nam bộ. Nhóm này là những người nông dân suốt ngày làm ruộng, làm vườn, nhưng đến những ngày có đám tiệc, đám giỗ, hoặc đám cưới gã thì tập trung lại thành một nhóm, người thì đàn, kẻ thì đánh phách, còn các cô gái thì hát những bài ca thể hiện tình yêu thương đất nước và con người.
Cải lương và nhiều bài hát còn lưu truyền cho tới ngày nay đều xuất phát từ miền Đồng Bằng Sông Cửu Long, bởi vì miền này trù phú, người dân có đời sống sung túc nên có thời giờ và điều kiện nghĩ đến những môn giải trí tao nhã. Qua đó, chúng ta thấy cải lương ra đời từ miệt vườn, thâu thập những cái hay, đổi mới cái cũ theo nhu cầu, hoàn cảnh địa phương…

Phần 2 – Phong tục và tập quán


Tục thờ cúng Ông Bà Tổ Tiên và ngày giỗ
Thờ ông bà là một bổn phận và nhiệm vụ trọng đặc thù của người miền Nam. Trong quảng đại quần chúng xưa và nay, người ta thường nói "đạo thờ ông bà" là tín ngưỡng sâu sắc, nhưng không là một tôn giáo, "đạo" nói ở đây phải hiểu là đường lối do lòng thành kính và biết ơn của con cháu đối với cha mẹ, ông bà đã khuất. [5]
Khi tôi hoàn tất bài viết này thì hoàn cảnh xã hội ở Việt Nam đã phức tạp hơn trước những năm 1975 rất nhiều. Việc thờ cúng tổ tiên cũng đã phát triển rộng và đóng một vai trò quan trọng trong cuộc sống của người dân miền Tây. Các nghi thức này không những nhằm chuyển những thông điệp mà còn để tỏ lòng biết ơn của chúng ta đối với những người đã khuất.

Dân miền Tây tin rằng Ông bà có thể phù hộ con cháu họ là một trong những lý do khiến mọi người coi trọng việc thờ cúng tổ tiên và việc làm giỗ. Ngoài ra, vẫn còn có một lý do khác buộc chúng ta phải quan tâm đối với những người đã mất, đó là quan niệm thuộc nền tảng đạo đức và đạo lý làm người. Đạo làm con phải “uống nước nhớ nguồn”. Không ai tự nhiên được sinh ra, không ai tự nhiên lớn lên, tất cả đều phải chịu ơn sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ và những người đi trước, “có tổ tiên mới có mình”. Sự biết ơn và tưởng nhớ công lao của tổ tiên chính là để thể hiện “đạo lý làm người”, một đạo lý tốt đẹp của người Việt Nam nói chung và người miền Tây nói riêng.
Cách thể hiện lòng biết ơn của con cháu đối với tổ tiên liên quan hệ chặt chẽ với hoàn cảnh kinh tế xã hội. Ví dụ, ngôi mộ mà gia đình tôi đã xây dựng cho cha tôi chứng tỏ gia đình có hoàn cảnh kinh tế hơi khấm khá, và mẹ tôi rất tự hào vì “mọi người cho rằng nó là ngôi mộ to và đẹp nhất Phụng Hiệp”. Chính điều này nhiều khi cũng gây ra không ít những sự ganh đua trong dòng họ. Vì thế, trong nghĩa trang ngày nay càng mọc lên nhiều ngôi mộ rất lớn và đẹp. Tuy nhiên, giá trị thực sự của một ngôi mộ chính là ở sự thành tâm của đạo làm con. Vẻ đẹp của ngôi mộ không chỉ chứng tỏ sự thành công về mặt tài chính mà còn thể hiện sự tận tụy và nhân tính của một gia đình có nền tảng đạo đức tốt đẹp. Cùng với việc thờ cúng, sự quan tâm đến mồ mả cha ông chúng tôi càng làm nổi bật lên nhân cách tốt đẹp của gia đình.
Theo tục lệ người miền Tây, ngày giỗ là "chung thân chi tang" có nghĩa là ngày tang trong suốt cả đời người. Mỗi năm vào đúng vào ngày người đã mất là một lần giỗ, cho nên người miền Tây thường quan trọng ngày cúng giỗ ông bà cha mẹ. Và cũng theo tục lệ này, bữa cúng phải có chén cơm xới đầy cùng những thức ăn thông thường mà khi người còn sống vẫn thích. Vì thế người miền Tây mới gọi tên cúng giỗ là "cúng cơm". Những khách khứa cùng bà con thân thích, hợp mặt lại gợi lại những gì tốt đẹp của người qua đời, trước khi ngồi vào bàn ăn giỗ phải làm lễ dâng cúng với những lễ vật mình đem tới và chắp lạy trước bàn thờ . Trên bàn thờ đèn nhang đã được thắp từ trước, khi các thức ăn được bày lên. Gia trưởng trang phục chỉnh tề, xem xét kỹ các lễ vật có đầy đủ rồi mới bước vào chiếc chiếu được trải trước bàn thờ, quỳ xuống, hai tay chắp lại vòng ngang trán và vá bốn lạy. Một trong hai người chấp tay lạy thường là em hay con cháu gia trưởng, đứng hai bên bàn thờ, thấp ba nén hương, đưa cho gia trưởng váy một váy lui rồi trao lại đem cắm lên bát hương. Người chấp lạy thứ hai mở nút bình rượu, rót rượu và nước lên ba chén để trên đài, xong đâu vào đó rồi gia trưởng làm lễ khấn.
Nhìn chung người miền Tây thực sự tự hào về việc thờ cúng tổ tiên, hay nói khác hơn là việc này tạo cho họ cơ hội giao tiếp, phát triển mối quan hệ họ hàng, chia sẻ vui buồn và hợp tác với nhau vì lợi ích của cả cộng đồng.
Tôi nhớ buổi tối “đám tang” của Cha tôi, ngày họ hàng nội ngoại hợp lại, bên nội tôi đa số từ Phong Dinh về và dòng họ ngoại tôi đa phần ở Sóc Trăng và Bạc Liêu, một bữa ăn chung ấm cúng, đã tạo cho họ ngoại nội có điều kiện nói chuyện, trao đổi ý kiến để tạo thêm tình thân thiết họ hàng.
Có thể nói, tổ tiên ông bà và những người đã qua đời đóng một vai trò hết sức ý nghĩa trong đời sống người dân miền Tây nói riêng hay Việt Nam nói chung như hiện nay.

Tết Thanh Minh hay Lễ Tảo Mộ
"Thanh Minh trong tiết tháng Ba"
         "Lễ là Tảo Mộ, hội là Đạp Thanh"      
Thăm viếng phần mộ tổ tiên cũng là nét đặc trưng của văn hóa miền Tây, một tục lệ trong “đạo thờ ông bà” của dân tộc ta vốn từ lâu đã trở thành truyền thống. Dù điều kiện khó khăn thế nào đi chăng nữa trong cuộc mưu sinh, dù cả năm bôn ba làm ăn ở nơi xa, nhưng chốn quay về vẫn là gia đình. Nhiều gia đình cho rằng mỗi dịp tảo mộ cũng là một dịp giãi bày với ông bà, tổ tiên những chuyện đã xảy đến trong năm với cả gia đình, dòng họ.[6]
Ngày Tết Thanh Minh được tính theo ngày Dương lịch hàng năm vào ngày 5 tháng 4 (nếu vào năm nhuần thì sẽ là ngày 4 tháng 4). Thanh Minh nghĩa là thời tiết trở nên mát mẻ quang đãng, trong lành. Người ta đi thăm viếng, vun lại những nấm mồ, phát cỏ dại, chặt cây cối quanh mộ, sửa sang, tu bổ mộ phần những người quá cố trong gia đình, và cả những phần mộ của các vị tổ tiên nhiều đời trước đó. Đôi khi họ cũng thắp nhang cho những mộ phần vô chủ. Đồ cúng tế thường là một lễ mặn nhỏ gồm: nhang, đèn, trầu cau, tiền vàng tiền bạc, rượu, thịt (chân giò, gà luột hay khoanh giò) và hoa, quả. Dân miền Tây tin rằng ngôi mộ là ngôi nhà của người đã mất, vì vậy sơn phết và chùi dọn mộ bên ngoài là dọn nhà cho người thân đã mất của mình có chỗ ở an khang và tốt đẹp.

Tết Nguyên Đán   

Đối với người Tây phương, Noel là ngày lễ quan trọng nhất trong năm. Nhưng đối với dân Việt, tết Nguyên Đán là ngày trọng đại nhất. [6]
Tết đối với người miền Tây được ví như sự tổng hợp của Giáng Sinh, New Year và St-Valentine của người phương Tây. Cái Tết bắt đầu cho năm mới, hy vọng về mọi sự may mắn tốt lành của mùa xuân nảy lộc đâm chồi, đồng thời cũng bỏ lại tất cả những rủi ro, đen đủi của năm cũ. Người miền Tây có tục hằng năm mỗi khi Tết đến lại trở về xum họp dưới mái ấm gia đình và để hàn huyên tâm sự sau một hay nhiều năm xa cách. Tuy là Tết cổ truyền của dân tộc nhưng tuỳ theo mỗi vùng, mỗi miền của Việt Nam hoặc theo những quan niệm về tôn giáo khác nhau nên có thể có nhiều hình thức, nhiều phong tục tập quán địa phương khác nhau. Nhưng đều có chung một điểm là có thể phân làm 3 khoảng thời gian, mỗi khoảng thời gian ứng với những sự chuẩn bị, ứng với những lễ nghi hay ứng với những hình thức thể hiện khác nhau, đó là: Tất Niên, Giao Thừa và Tân Niên.

Tết là dịp cho dân ta tạ ơn trời đất đã ban phúc cho mỗi gia đình làm ăn khắm khá hơn so với năm vừa qua. Nhiều người muốn được khấn váy trước bàn thờ, thăm lại ngôi mộ hay nhà thờ tổ tiên. Cũng có người muốn thăm lại nơi chôn nhau cắt rốn, thời niên thiếu với gia đình. Đối với những người xuất thân từ nông thôn miền Tây, kỷ niệm thời niên thiếu có thể gắn liền với sông nước, sân vườn.
"Về quê ăn Tết" đã trở thành một thành ngữ quen thuộc gợi lên cuộc hành hương về nơi cội nguồn. Dầu đi đâu về đâu, ngày nay mỗi lần Tết đến tôi lại mang mang nhớ nhung cái "hồn" của chợ quê xưa. Tấm "hồn" đó là do sự lắng đọng của quang cảnh chợ Tết của tỉnh tôi, dọc hai bên bờ sông có hàng hoa đủ loại đua sắc, nào là mai vàng vạn thọ, hướng dương, thủy tiên v v…
Hồ nước ngọt Sóc Trăng có đủ loại các trò chơi cho trẻ em và đủ gian hàng vui chơi giải trí, vẫn sống mãi trong tâm thức. Nhớ lại thuở bé, chúng tôi Io lắng chờ dịp tết sớm đến để có cơ hội diện bộ đồ mới để đi thăm và khoe với họ hàng ông bà ở Phong Dinh và khi về mang đầy ấp mấy bao tiền lì xì…
Tết cũng là dịp cho mọi người cám ơn nhau trong suốt một năm trời sinh hoạt chia sẻ những vui buồn với nhau. Anh em đến chơi với nhau hay đoàn tụ người phương xa, uống chén rượu, hoặc chén nước trà tàu, trà sen hoà với vài ba hạt dưa, ăn vài miếng mứt, nếu xom tụ hơn thì thịt kho hột vịt dưa hấu, tôm khô cũ kiệu nhâm nhi ngày tết.
Bạn bè thăm hỏi lẫn nhau, mỗi người đưa một danh thiếp đỏ đề mấy chữ chúc tặng nhân dịp năm mới. Tuy nhiên Tết cũng trở thành một nỗi lo âu và là gánh nặng cho lớp người với điều kiện kinh tế chật hẹp.

Tết Nguyên Đán là lễ tết đầu tiên của một năm. Tết được bắt đầu từ lúc giao thừa. Theo chữ Hán, Nguyên có nghĩa là bắt đầu, Đán là buổi sớm maị Tết Nguyên Đán tức là tết bắt đầu đầu năm, mở đầu cho mọi công ăn việc làm với tất cả mọi cảnh vật đều mới mẻ đón xuân sang. Năm hết Tết đến, những sự may mắn mới đến, và bao nhiêu điều lo âu phiền toái của năm cũ đều theo năm cũ mà đi hết.
Tết Nguyên Đán đến là ngày xuân ấm áp cũng đến, mang lại hoa cỏ xanh tươi khiến cho mỗi người chúng ta thấy nao nao tâm hồn như những trẻ thơ, mặc dù sau một năm dài làm lụng vất vả có biết bao lo toan trong cụôc sống.
Người miền Tây thích trưng bày hoa Mai, vạn thọ hay các loại hoa nẩy lộc mỗi dịp Tết đến. Khác với miền Bắc, khí hậu có phần nào lạnh hơn, thích hợp cho hoa Đào khoe sắc. Cứ mỗi dịp Xuân về bất cứ người miền Tây nào, nhắc đến cây Mai là nhắc đến ngày tết cổ truyền dân tộc, nhắc đến bành tét bánh chưng, cây nêu tràng pháo, bánh mứt tràn trề.
Tôi vẫn nhớ gia đình thường sửa soạn cho ngày tết bắt đầu từ tháng chạp (tháng 12 âm lịch). Nhà nhà đều lo mua gạo nếp, mua đậu xanh để gần đến ngày gói bánh tét. Bên cạnh đó, mẹ tôi đi chợ sắm sửa những vật dùng cho ngày Tết. Mẹ tôi mua sẵn gà, bánh mứt, trái cây, hương để cúng và biếu họ hàng gần xa.Trước tuần lễ tết chúng tôi thường lau chân đèn hay bộ lư toàn bằng đồng óng ánh. Chúng tôi phải lau cho chúng bóng loáng như sự sáng sũa cho cả năm mới đến. Trước đây mẹ tôi còn mua pháo tết nhưng ngày nay lặng tiếng pháo cũng bớt đi phần nhộn nhịp vào những ngày tết. Chúng tôi những học trò tha hương cầu thực thế nhưng nhân dịp tết cũng cố gắng chuẩn bị món quà nhỏ biếu thầy cô. Bước vào bất cứ nhà miền Tây nào trong thời điểm cuối năm cũng có thể nhận thấy ngay không khí chuẩn bị Tết nhộn nhịp, từ việc mua sắm, may mặc đến việc trang trí nhà cửa, chuẩn bị bánh trái, cỗ bàn, đón tiếp người thân ở xa về...
Không những lo sửa soạn các vật dụng vào dịp tết mà người dân miền Tây còn lo sắm một bộ quần áo Tết. Đặc biệt là các cô gái mới độ xuân thì, ngày xuân là dịp các cô chưng diện để cho mọi người ngắm nhìn đặc biệt là các cậu con trai mới vừa đôi mươi, đang tìm hồng nhan tri kỷ.
Tết Nguyên Đán được bắt đầu từ mùng một đến hết mùng bảy (lúc hạ nêu). Và cũng trong bảy ngày tết mọi gia đình đều chưng bày những câu đối dán trên tường, và cũng dán trên trái cây để cúng váy Ông bà tổ tiên bằng những mảnh giấy màu đỏ. Theo tục lệ Trung Quốc màu đỏ tượng trưng quyền lực vô hình có thể xua đuổi tà ma để con cháu năm mới làm ăn khấm khá và phát tài hơn. Chưng bày mâm ngũ quả trên bàn thờ của gia đình trong những ngày Tết mang ý nghĩa giữ gìn bản sắc văn hóa độc đáo của dân miền Tây. Chính vì vậy, người miền Tây dù ở phương trời nào, đến ngày Tết cổ truyền vẫn không bỏ qua tục lệ này, như một sự nhắc nhở, cho bản thân và cho con cháu, về cội nguồn của mình…
Xông nhà ngày Tết là một việc hết sức trọng đại vì thế hầu như nhà nào cũng kiêng kị rất cẩn thận. Bởi nếu không những điều xấu sẽ vận vào bản thân mà còn ảnh hưởng đến gia đình mình. Vì sợ “dông” nên phải chọn người xông nhà không xung tuổi với chủ nhà.[11]
Người miền Tây còn có thói quen chọn người có tên đẹp như Phúc, Lộc, Thọ, Tài, Lợi…mời đến xông nhà để cả năm sẽ thuận lợi, may mắn. Người xông nhà đầu năm phải là người có tài lộc, hiền hậu và có đức hạnh tốt. Người ta thường chọn những người gia cảnh song toàn, con cháu đông đàn dài lũ, làm ăn thịnh vượng, vì thế mới có lệ “hẹn trước”, mời đến xông nhà. Nếu buổi sáng mồng một mà vẫn chưa có ai đến xông nhà thì gia đình sẽ cử một người trong gia đình đi xông đất nhà người quen hay người thân trước và như vậy khi trở về nhà mình, người ấy sẽ là người xông đất của chính gia đình họ. Người miền Tây tin rằng chuyện xông nhà rất quan trọng vì nó ảnh hưởng cho công việc làm ăn và tài lộc cho gia đình cho cả một năm mới.  Họ kiêng kị mọi chuyện có ảnh hưởng không tốt đến gia đình trong năm mới như việc quét nhà, lau dọn nhà cửa, họ để vậy trong ba ngày tết không được quét rác ra khỏi cửa nhà, nếu như vậy là mang đi cả sự may mắn trong năm .….

Tết Trung Thu
Ở phương Tây trẻ con hoá trang đủ kiểu háo hức dự lễ Halloween cùng bố mẹ tháp tùng, đi từng nhà xin bánh kẹo trong khi đó con nít miền Tây náo nhiệt chuẩn bị dự đại lễ Trung Thu.
Mỗi năm đến rằm tháng tám âm lịch là Tết Trung Thu. Tết này dân ta thường coi là tết của trẻ con, nhưng ngày trước có nhiều nhà cũng chi phí vào các lễ này cũng nhiều.
Đồ chơi của trẻ con trong Tết này là những chiếc lồng đèn làm bằng giấy với những hình ảnh tượng trưng cho các con thú như: voi, ngựa, kỳ lân, sư tử, rồng hươu, tôm cá, bươm bướm, bọ ngựa...hay những hình ảnh đèn cù, đèn xẻ rãnh, đình chùa, ông nghè đất... [6]
Trẻ con tối hôm Trung thu dắt díu nhau từng đàn từng lũ, rước đèn, rước sư tử, trống đánh vang cả đường, tiếng reo hò, tiếng đùa rầm rĩ. Lại nơi nọ trống quân, nơi kia hát trống quít. Tất cả những sinh hoạt này được gọi là Trung Thu thưởng nguyệt. Nhớ thuở bé cả tuần trước đại lễ chúng tôi lo chế biến lồng đèn bằng giấy vơi đủ kiểu tuỳ theo ý thích từng trẻ em hay hàng xóm. Sự cạnh tranh chưng bày lồng đèn nhiều khi gây ra rối loạn cho bà con xóm gần xóm xa. Con gái thì thi nhau làm tài khéo léo như gọt đu đủ thành các thứ hoa nọ hoa kia, nặn bột làm con tôm, con cá coi thật là đẹp.
Ngày nay trẻ em miền Tây ở hải ngoại quên đi tết Trung Thu ngoại trừ những cộng đồng to lớn. Các em hoà mình vào cộng đồng phương Tây và dự lễ Halloween. Thực ra lễ này giống lễ Vu Lan nhiều hơn Trung Thu. Theo người miền Tây thì lễ Vu Lan là dịp báo hiếu người đã mất và bố thí ma quỹ để mong những linh hồn chưa siêu thoát để yên cho con cái sống sót được nhiều sức khỏe và làm ăn khấm khá...

Lễ cưới và hỏi của người miền Tây


Ở miền Tây ngày xưa tục tảo hôn (cưới xin) của dân ta có những điều không phù hợp với thời đại văn minh. Vợ chồng cưới nhau quá sớm cho nên thế hệ Ông cha ta thường có con cháu đầy nhà và nghĩ rằng có con cháu đầy nhà là có phúc nên nhiều gia đình có con lúc mười bốn mười lăm tuổi, sự phát triển trí lực chưa đầy đủ đã có vợ có chồng rồi. Nhiều khi con gái miệng còn hôi sữa đã về làm dâu nhà người ta. Vì vậy khi sanh con ra nhiều đứa trẻ còm cõi, khẳng khiu, khó nuôi, yếu ớt hoặc mang tật nguyền làm cho giống nòi không mạnh mẽ. Hơn nữa, tuổi trẻ là lúc học hành, tìm hiểu cuộc đời để có thể xây dựng mái ấm gia đình sau này vững mạnh, nhưng lại lấy vợ gả chồng thì coi như cả tương lai chỉ còn trông vào con cái thôi, trí tuệ không bao nhiêu.[6][7]
Ngày nay xã hội miền Tây đã thay đổi nhiều, trai gái có lấy nhau cũng phải chờ đến mười tám hai mươi mới lấỵ hay có thể trễ hơn.  Bây giờ bậc cha mẹ cũng thường để cho con cái tự ý lựa chọn theo tính ý của mình và sự ép hôn đã giảm nhiều. Hai bên gia đình trai gái cũng không còn xem chuyện giàu nghèo là điều quan trọng trong chuyện cưới xin vì đó là sự thuận tình hai bên trai gái mà thôi. Có như vậy thì chính cô dâu và chú rể sau này cũng dễ hòa nhập với hai bên gia đình không phải buồn rầu nhiều vì lễ giáo độc đoán.
Trước khi tổ chức lễ cưới thì hai bên nhà trai và nhà gái đều phải không có tang chế hay vừa mãn tang. Lễ Cưới thì nhà trai viết thư hay cử người đại diện hỏi xem nhà gái muốn những lễ vật nào. Người ta gọi là tục Thách cưới. Nhà gái muốn những vật gì thì phúc đáp hay yêu cầu cho nhà trai. Nhà trai nếu có thể đáp ứng được thì mới chọn ngày lành tháng tốt, đính ước ngày cưới với nhà gái.                             
Khi rước dâu phải chọn giờ lành tháng tốt. Trong đám cưới có một ông già hiền lành hay ngày nay tiến bộ hơn là chàng trai trẻ ăn nói lưu lóat cầm một khai rượu với bao lì xì nhỏ màu đỏ đi trước hay gọi là chủ hôn, rồi đến các người dẫn lễ, người bưng mâm trầu cau, người khiêng heo mà ngày nay tiến bộ hơn người ta nhờ các anh chàng trai tráng đẹp trai trong vùng hay bạn bè người thân... Chú rể thì khăn áo lịch sự đi cùng với chủ hôn. Khi đến nhà gái, dâng bày đồ lễ, người chủ hôn nhà trai hay người đại diện nhà gái khấn lễ với tổ tiên rồi thì chú rể vào lễ bái.  Hương án được bày ra sân, trên hương án có gà, xôi, giầu (trầu), rượu, tế tơ hồng xong rồi hai vợ chồng mới cưới được vào lạỵ  Sau thủ tục xin phép nhạc gia và nhạc phụ, chú rể sẽ chuẩn bị rước dâu.
Khi đưa dâu thì nhà gái cũng như chủ hôn, chú rể cô dâu, bà con họ hàng nhà gái cùng đi sau. Đến nhà trai rồi thì bà mai dẫn cô dâu vào nhà chú rể lạy tổ tiên rồi đến cha mẹ chồng. Nếu chú rể còn ông bà thì cũng phải lạy ông bà bên chồng. Ông bà cha mẹ chồng thường thì mỗi người chúc mừng cho cô dâu chú rể bằng ít tiền tùy hỉ.
Sau tiệc đãi ăn uống xong thì họ hàng luôn có phần mang về do nhà trai tặng, thường thì xôi rượu thịt, bánh, trái cây, giò chả, v.v.v…
Quê hương miền Tây với những sông rạch chằng chịt, người dân thường di chuyển chủ yếu bằng đường sông. Có nhiều nơi mỗi ngày chỉ có một chuyến đò đưa rước để người dân có thể đi chợ và mua bán trao đổi hàng hóa với nhau. Chính vì lý do đó mà những đám cưới ở vùng quê miền Tây thường tổ chức vào buổi tối. Người Việt Nam thường đãi đám cưới riêng biệt giữa nhà trai và nhà gái. Từ sáng sớm, các cô gái, chàng trai đã tụ tập lại để giúp đở cho nhà gái . Người giết heo, kẻ mổ gà vịt, người khác xắt rau, cải để nấu nướng. Không khí của một đám cưới vùng quê thật vui vẻ. Đây cũng là dịp để nam thanh nữ tú gặp nhau và từ đó nảy sinh những mối tình thật đẹp. Sau buổi trưa, cổ bàn đã xong xuôi tiệc bắt đầu từ trưa cho đến chiều. Buổi tối là lúc họ hàng nhà gái tụ tập lại để cô gái lạy tạ ông bà, cha mẹ, bà con để xuất giá theo chồng. Bên nhà trai thường rước dâu về vào buổi tối để sáng sớm hôm sau là đãi tiệc bên họ nhà trai.
Ở thành thị việc thách cưới ngày xưa thường nhiều hơn ở vùng quê và cũng không có lễ cưới vào ban đêm. Đám cưới thường vào ban ngày và sau đó đón cô dâu về nhà liền. Trong khi cưới và khi đón dâu, hai ông bà cầm hai cái lư hương ngồi trong xe che lọng xanh đi trước, rồi các người theo phụ mỗi người đội mâm cau trùm vải đỏ. Trong mỗi mâm có rượu, hoa quả trái cây. Ngày xưa thì đi bộ, sau đó đi xe kéo, hay xe song mã. Ngày nay cuộc sống có khá giả hơn thì mướn xe Mercedes-Benz để đưa đón dâu. Cô dâu chú rể chỉ tổ chức tiệc cưới cho bạn bè hay đồng nghiệp vào ban đêm hay vào cuối tuần cho thuận tiện những người tham dự ngày hôm sau phải đi làm việc. Tối hôm cưới, người chồng lấy trầu cau mà nhà trai được nhà gái trả lễ cho vợ chồng, trao một nửa cho vợ, rót một chén rượu, mỗi người uống một nửa và lễ này được gọi là lễ hợp cẩn.
Sau lể cưới được ba hôm, đến hôm thứ tư thì hai vợ chồng làm lễ xôi chè đem về bên nhà vợ lạy tổ tiên, lễ còn được gọi là tứ hỉ.

Phần 3 - Lễ hội của địa phương

Lễ Cúng Trăng Ooc-Om Bok và Đua Ghe Ngo



Lễ Ooc-Om Bok , tiếng Khmer có tên khác là lễ Cúng Trăng (vì tổ chức vào đúng đêm hôm trăng rằm và bắt đầu từ khi trăng lên) của người Khmer Nam Bộ sống ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long: Cần Thơ, Sóc Trăng, Trà Vinh và Kiên Giang. [8]
Xuất phát từ một tín ngưỡng dân gian cho rằng mặt trăng là thần bảo vệ mùa màng, người Khmer hằng năm cứ đến ngày rằm tháng 12 theo Phật lịch, tương ứng tháng 10 âm lịch, tổ chức lễ Ooc-Om Bok để tỏ lòng biết ơn vị thần đã làm cho mùa màng tốt tươi, mang lại lương thực dồi dào cho con người. Đặc điểm của nghi lễ này là sự có mặt của những em nhỏ, được người ta lấy những hạt cốm dẹt đút vào miệng để “lấy khước”.
Vào lúc này, thời tiết bắt đầu khô ráo, gió chướng thổi nhẹ, lúa ngoài đồng bắt đầu chín lốm đốm. Đặc biệt đối với tuổi trẻ, vào những ngày này trai gái thường rủ nhau đi chơi, ngắm trăng, tâm sự và tỏ tình. Để chuẩn bị cho đêm lễ cúng Trăng người ta đào lỗ trước sân nhà, hay sân chùa (nơi dự định cúng lễ) để chôn hai cây trụ tre, cây tầm vông, bên trên có một cây xà ngang dài độ 3 mét, giống như một cổng chào có trang trí hoa lá. Dưới cổng có kê một chiếc bàn phủ vải đẹp, bên trên để một lọ hoa, nhang, đèn và các thứ cúng gồm có trái cây như chuối, bưởi, cam, thơm cùng các loại củ có chất bột như khoai lang, khoai mì, khoai môn và bánh kẹo, đặc biệt là món cốm dẹt được chế biến từ những bông nếp vừa chín đầu mùa lấy từ ngoài đồng về. Mọi người từ già đến trẻ đều mặc đẹp, dọn dẹp trang hoàng nhà cửa để đón trăng.
Buổi tối, khi ông trăng rằm to như chiếc đĩa màu vàng đỏ và vừa nhô lên khỏi ngọn cây thì dân chúng đã tề tựu đông đủ tại nơi khuôn viên chùa, hay ở nơi sân nhà, hoặc nhiều nhà cùng tập hợp nhau lại tại một địa điểm rộng rãi, thuận lợi nhất để chuẩn bị lễ cúng. Bà con đến dự lễ được mời ngồi trên những chiếc chiếu hay tấm đệm trải sẵn trên đất, hai tay cung kính chắp lại để ra trước mặt hướng về phía mặt trăng đang lên. Một cụ già làm chủ lễ đứng ra đọc lời khấn, nói lên lòng biết ơn của con người đối với thần, xin thần tiếp nhận những lễ vật và cầu mong trong những ngày tháng tới, thần Trăng sẽ đem lại cho mọi nhà, mọi người những niềm vui mới: sức khoẻ, thời tiết tốt đẹp, mưa thuận gió hoà, mùa màng bội thu, cuộc sống thái bình, no ấm…Theo quan niệm của người Khmer, tục thả đèn nước nhằm xua tan bóng tối, sự ô uế và buồn bã, giống như lễ tống ôn, tống dịch của người Việt, để chỉ còn lại sự bình yên, niềm vui và tình đoàn kết xóm làng.
Riêng ở Sóc Trăng song song với lễ Cúng Trăng dân địa phương còn tổ chức cuộc đua ghe ngo với sự tham dự của nhiều đội đua ghe đến từ những sóc, thôn hay tỉnh lân cận. Trước khi ghe Ngo được làm lễ “xuống nước”, các vận động viên phải tập bơi trên những “giàn cây” được ráp trong các con mương rộng. Giai đoạn này chủ yếu là để tập thể lực và rèn nhịp bơi theo hiệu lệnh của đội trưởng. Trước khi đua khoảng một tuần, các vị sư mới làm lễ xin “Niếc” cho phép hạ thủy để đội đua tập bơi thực sự trên sông nước. Khi đua, các ghe còn “so kè” đường nước. Điều “tối kỵ” trong trước khi đua là không để ghe của đối thủ đụng mũi vào lườn ghe mình vì sợ đối phương “ếm bùa” làm ghe có thể gãy đôi khi đua. Theo thông lệ xưa, khi hai ghe đang đua nhưng nếu ghe kia vì bơi thua nên cố ý đụng làm cả hai chiếc bị chìm thì coi như xử huề.
Trong lúc đua ghe ngo, việc cầm giữ lái để chiếc ghe đi đúng hướng kết hợp nhịp bơi của những mái dầm phải thật nhịp nhàng là yếu tố quyết định đến tốc độ của ghe. Tốc độ của ghe đua khi về đích có thể đạt đến trên 30km/h nên nếu cầm lái yếu rất dễ làm ghe bị lật úp, đặc biệt là ở những khúc quanh. Kỹ thuật đóng ghe cũng là một bí quyết chỉ có các nghệ nhân biết, đặc biệt là nghệ thuật “dằn cây cần câu” ở giữa lườn ghe ngo. Ngoài việc giữ cho chiếc ghe Ngo (vốn là chỉ một thân gỗ độc mộc) được chắc chắn, chịu đựng được nhịp nhún và lực của các tay bơi, chiếc cần câu còn phải có được độ dẻo nhất định sao cho với mỗi nhịp nhún của các tay dầm thì mũi ghe cũng “cất mũi” rướn tới. Để được ngồi ở mũi ghe, ngoài kinh nghiệm về bơi đua, người ngồi mũi còn phải là “mạnh thường quân” trong bổn Sóc, phải là người đã có nhiều đóng góp về tài vật cho đội ghe như góp gạo, mổ heo, bồi dưỡng đường, sữa để “o bế gà” của Sóc mình.
Tuyến đường dài khoảng 5km dọc hai bờ sông Maspéro chật kín người và xe, tiếng hò reo của những cổ động viên làm náo nhiệt cả dòng “sông Trăng” thơ mộng. Không chen kịp chân đến khu vực khán đài, nhiều người đã leo lên mái nhà, ngọn cây và lội xuống sông xem đua ghe ngo. Suốt đêm ngày lễ hàng ngàn người Khmer ở các tỉnh miền Tây không ngủ mà tiếp tục kéo về Thi xã để cùng nhau... đi bộ giữa dòng người chật ních tất cả tuyến đường chính của Thị xã để xem hội diễn nghệ thuật quần chúng và trình diễn trang phục dân tộc thiểu số tỉnh Sóc Trăng.

Lễ Phật Đản và Vía Bà Châu Đốc



Chúng ta chỉ nghe kể và biết đến quang cảnh tưng bừng vào dịp lễ Phật đản nào là chư Thiên rải hoa, có nhạc trời trổi vang lừng, có nước trời tuôn xuống tắm gội và Ngài đi bảy bước trên hoa sen… song chúng ta không để ý nên chẳng hiểu thấu được nhiệm vụ, trọng trách, sứ mệnh gian nan cực cùng của Phật khi Ngài sinh vào đất nước Ấn đầy dẫy thần quyền, áp bức và bất công này.[9]
Người viết không có ý định bàn về tôn giáo chỉ muốn biên sơ qua về quan niệm Phật học và ảnh hưởng của đạo Phật trong đời sống hàng ngày của dân miền Tây mà thôi.
Theo trí nhớ người viết  thì người dân miền Tây hằng năm đi dự 2 đại lễ, ngoài Tết Nguyên Đán – lễ Phật Đản và Vía Bà Châu Đốc. Lễ hội Phật đản ở nước ta được tổ chức quy mô hoành tráng mang tính lễ hội của dân tộc, vì thực ra ngay từ thời kỳ đầu Phật giáo mới du nhập, Đại lễ Phật đản đã được cộng đồng Phật giáo bấy giờ tôn vinh. Cơ sở để thực thi tổ chức lễ Phật đản đã được định hình từ một nền Phật giáo quyền năng trước đó, xuất phát ở trung tâm Phật giáo với các hình thái sinh hoạt tín ngưỡng, học thuật phát triển. Hình ảnh rước Phật Tứ Pháp trong ngày Lễ Phật đản để cho dân chúng mọi nơi được dịp chiêm ngưỡng lễ bái cầu nguyện là điều tất nhiên. Trong ý nghĩa, ngôi chùa không chỉ là trung tâm văn hóa, giáo dục, học thuật của Phật giáo mà còn là nơi quy tụ, kết nối sự yêu thương, tinh thần đại đoàn kết cả dân tộc được thể hiện trên mọi lĩnh vực. Do đó, lễ hội của Phật giáo là quy luật tất yếu. Một mặt nó đáp ứng và giúp cho mọi người khi nhìn thấy sự tôn vinh hình ảnh Đức Phật đản sinh mà phát nguyện tự tìm thấy Đức Phật của mình trong chính bản thân mình, mặt khác từ đây sẽ kết nối liên thông giữa mọi tầng lớp trong xã hội, hãy đến với nhau bằng tinh thần từ bi, trí tuệ, vô ngã, vị tha theo thông điệp “Dù ai buôn bán ở đâu, tháng tư ngày tám rủ nhau hội chùa”…
Theo tín ngưỡng miền Tây thì hàng năm vào ngày 25 tháng tư âm lịch dân ta nô nức đến dự lễ Bà Chúa Xứ Châu Đốc. Đây cũng được xem là bắt đầu của cuộc hành hương về Núi Sam để vía Bà…Nhớ lúc còn bé chúng tôi rất nôn nóng đêm trước khi khởi hành với hàng vạn Phật tử khắp nơi đổ xô về núi Sam Châu Đốc để hành hương. Trên xa lộ hàng hàng lớp lớp xe cộ nối đuôi nhau trông cảnh rất nhộn nhịp không khác gì ngày tết vì mọi người cùng có một chí hướng duy nhất là đi hành hương vía Bà Chúa Xứ Châu Đốc.[10]
Theo thiết nghĩ điều quan trọng nhất trong tất cả tôn giáo vẫn là “niềm tin”. Có thể là niềm tin ở đấng Tối cao, Thượng đế, Đức Phật hay hơn nữa là sự tự tin ở chính bản thân mình.  Để có niềm tự tin thì ta phải thành công nơi chính mình, phải thấy được cái hay cái đẹp trong lòng mình. Để khắc phục được “niềm tin” ta phải sống sâu sắc trong từng giây phút của đời sống, phải biết sử dụng nó một cách lợi ích cho mình và cho người khác. Ta phải tập buông bỏ lòng tự hào và ích kỷ để sẵn sàng hòa nhập mình vào tất cả. Nếu ta có đời sống nội tâm vững vàng như vậy, thì có đặt câu hỏi về niềm tin hay không cũng không còn là vấn đề quan trọng nữa. Cho nên đức tin có hiểu biết luôn dẫn đầu trong mọi thành công…
             
Thay lời kết: Nếu như mỗi người trong chúng ta đều tự thấy con đường của chính mình cùng với lịch sử dân tộc đang trải qua…càng ngày càng xa rời cội nguồn thì nhất định sẽ có một ngày đó chúng ta sẽ nhớ lại nơi “chôn nhau cắt rốn” của mình hoặc sẽ nhớ lại từ “quê cha đất tổ” ngược dần đến mảnh đất miền Tây nơi đó có “Cha ông Ta” đã bỏ công gầy dựng và khai sáng nền văn minh của cả một dân tộc như dân tộc Trung Quốc có Hoàng Đế là đại diện, Nhật Bản có Thái Dương Thần Nữ là thủy tổ, còn dân tộc Việt Nam là con Rồng cháu Tiên…
Là một người con xuất thân từ xứ xở miền Tây, trong tôi lúc nào cũng có lòng tự hào của dân tộc miền Tây yêu dấu, với những hoài niệm thời thơ ấu không thể nào xóa bỏ được dấu vết của quê hương trong tiềm thức. Sống giữa cộng đồng với nhiều chủng tộc khác nhau, chúng ta rất hảnh diện là người Việt Nam, và giữa những người Việt với nhau, chúng ta tự hào là một đứa con miền Tây.
Chúng ta đã gắn bó với quê hương từ dòng máu, từ làn da và sẽ mãi mãi ấp ủ một quê hương mang theo như một người con xa xứ, như một kẻ ly hương không bao giờ quên câu ca dao, tiếng mẹ ru con vừa da diết, thiết tha vừa ẩn chứa nỗi nhớ niềm thương về một chốn quê xa, những giọng hò trên sông và sáu câu vọng cổ của xứ sở Miền Tây… 
Khi chúng ta sống trên đất khách và hòa nhập với nền văn hóa tây phương chúng ta đã hiểu rất nhiều và ta thường ví như “ăn cơm tàu ở nhà tây và sống với nhiều tiện nghi kiểu Mỹ”. Rốt cuộc rồi “ta về ta tắm ao ta dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn”. Câu ca dao bất hủ nầy không muốn biện hộ rằng xứ sở quê hương miền Tây chúng ta là nhất và cũng không có nghĩa là quê hương ta có đời sống khá hơn tiện nghi ở hải ngoại, ngược lại miền Tây chúng ta vẫn còn nghèo lắm, xứ sở thân yêu chúng ta vẫn còn rất nhiều thiếu thốn về mặt vật chất cho nên chúng ta luôn có một hoài bảo là muốn thấy dân miền Tây càng ngày càng có nếp sống khấm khá hơn... Đây là trách nhiệm của tất cả chúng ta nên giữ gìn, quảng bá và phát huy nền văn hóa miền Tây một cách hiệu quả, bảo tồn bản sắc văn hóa Nam Bộ nói chung và Miền Tây nói riêng.
Khép lại câu chuyện về ký ức xa xứ của một Việt kiều ở cái tuổi ngủ tuần muốn tìm hiểu về nguồn cội miền Tây thân yêu một thuở, dội vào những âm thanh náo nhiệt của những tiếng bong bong từ chiếc ghe ngo, những bài ca vọng cổ từng vang bóng một thời và những âm hưởng của cuộc sống êm đềm ở miền Tây. Tôi vẫn nghĩ rằng một khi văn hóa của một dân tộc mãi mãi mất đi thì người dân sẽ không còn nguồn cội, tuổi trẻ thế hệ kế tiếp sẽ hỏi rằng nền văn hóa chúng ta từ đâu có và sẽ đi về đâu...


Nguyễn Hồng Phúc
Commented and edited by a group of friends:
Nguyễn Tuyết
Cathy Phan
Huỳnh Ngọc Minh
Trần Thu Hương
Prof. Nguyễn Chí Thân

Tài liệu tham khảo:
1.     Tìm hiểu đất Hậu Giang – Nhà Xuất bản Phù Sa, Sài gòn 1959. Sơn Nam. Pages 25-35
2.     Việt Nam Sử Lược – Trần Trọng Kim. Bộ Giáo-Dục Trung Tâm Học Liệu xuất bản -1960. Pages 137,139,140
3.     VietNam Tourist Guidebook
4.     http://www.dulichanz.com/Cho-noi-Net-dac-trung-cua-song-nuoc-mien-Tay/
10.  http://muaban.ccom.vn/showthread.php?t=2918
11.  http://www.lyhocdongphuong.org.vn/News/03/Tuc-chon-nguoi-xong-nha-dau-nam/7/2197/
12.  Lịch sử Việt Nam – Phan Huy Lê, Trần Quốc Vượng, Hà Văn Tấn, Lương Ninh. Nhà Xuất bản Đại Học Chuyên Nghiệp Hà Nội 1991
13.  Việt Nam Văn Học Sử Yếu – Dương Quãng Hàm. 1941 Nhà Xuất bản Xuân Thu.
14.  A History of VietNam from Hong Bang to Tu Duc. Oscar Chapuis. Greenwood Press 1995
15.  Việt Sử Toàn Thư - Từ Thượng Cổ đến Hiện Đại – Phạm Văn Sơn. Nhà Xuất bản Xuân Thu – 1960. Page 370
16.  VietNam-Culture.com. Đọc từ tài liệu Internet





Understanding Southwestern Culture…
Nguyễn Hồng Phúc


(Upon request of friends from North America and Europe, this article extracted from several documents is written in three languages in order to help our children understand the South western history and culture, the region where their parents were born and raised...
Special thanks to our beloved friends – Trần Thu Hương, Cathy Phan, Huỳnh Ngọc Minh, Nguyễn Thị Mỹ Hường, Nguyễn Chí Thân (Sunderland University Thủ Đức) and Nguyen Tuyet who provided precious helps making this article possible)

Part 1 – History and Geography

Preface - Since my childhood I loved listening to country love music such as - my village, nostalgic country love, Vietnam my homeland, incense land, etc.... Those songs still lie in my childhood subconscient forever to this day ... I have an ambition that someday I will try to understand the history of my homeland ... the Southwest region. Despite the fact that my country today has improved, the population is still very poor but this is the place where I was taught that it is my homeland. Homeland is the place which we always remember, still wish for better life and we all want to return to live in the neighbourhoods that were filled with love and joy ... Despite leaving their country for so many years, people always remember their country. Even today a lot of Vietnamese expatriates scattered around the world had succeeded well in their career and hold some important positions in the new society, their heart and soul are still with their homeland.
The S-shape country named by poet Che Lan Vien as “a boat cut through the waves” had suffered the excessive pain for several decades due to war. But that S shape country, from my perspective, represents the tears flowing in the night as the wince shape of a mother (by shivering) waiting for her kids living away on other side of the ocean…
After several thousand years of Vietnamese history we have never seen a massive exodus. In the auld lang syne that migration we thought we will never be able to go back home again.  In reality however, thanks to the country nostalgia still residing in our hearts which attached us to the original homeland. We were attached to the country from our blood and skin and that attachment will follow us in any road to new life. 
We always oriented toward our country with childhood nostalgia, the peaceful country life under the roof with blue smoke lined along the green river…We left our country with tears knowing that there was no expected return.
After several years living abroad we are now heading home. On the way home, going through crowded streets we can see a lot of newly built houses interlacing with old rusted roofs. The old quiet streets are now becoming bustling with commercial streets and town. Life contrasts with vivid colors and unfolds with animation of the young and meditation of the old….
We invite you to join us looking back at our homeland in order to share the emotional feelings and a lot of childhood nostalgia, during our trip. To understand the south western culture we will visit My Tho Big city, Ninh Kieu warf lined along Can Tho river, go back to Bac Lieu to hear amateur Music Performance (Dạ Cổ Hoài Lang), arrive in Soc Trang town to feel the heartbeat while watching the Ooc-Om bok festival with joy and finally penetrate Ca-Mau cajuput and mangrove forests…
To the memory of my dear dad who tempered his children with the country nostalgia at the early age and the courage to write down the famous history of the southwestern culture…. 

                                        ----o0o----
Part 1 - Southwestern Region – a brief history

In 1679, the armies of the Minh Dynasty (Minh Hương) under 2 Chinese Generals Trần Thắng Tài and Dương Ngạn Địch sailed to Thuận-Hóa with 3,000 soldiers well armed requesting military help from Vietnamese government.  Lord Nguyễn Hiền Vương thought that if he would not accept them they might have fought back the Nguyen lord government. Lord Nguyen then accepted to receive them and sent them to new territories – Biên Hòa – Islet City and Định Từơng – Big City to explore new lands with a message that those were his new developed territories.
General Trần Thắng Tài settled in Biên Hòa and developed that new land while General Dương Ngạn Địch and his troops headed to Định Tường. Later, one those new cities became the most prosperous commercial centers in the south. In 1771, the Tây Sơn revolution broke out in Quy-Nhơn, which was under the control of three brothers named Nguyễn Nhạc, Nguyễn Lữ, and Nguyễn Huệ, not related to the Nguyễn lords. By 1776, the Tây Sơn had occupied all of the Nguyễn Lord's land and killed almost the entire royal family. The surviving prince Nguyễn Phúoc Ánh (often called Nguyễn Ánh-Gia Long) fled to Siam (Thailand), and obtained military support from the Siamese king. In 1784 Nguyễn Ánh came back with 50,000 Siamese troops to regain power, but was defeated at the Battle of Rạch Gầm–Xoài Mút and was almost killed [2]. Nguyễn Ánh fled Vietnam, but he did not give up. Due to War between Nguyễn lord and Tây Sơn, the population moved gradually to Bến Nghé (Chợ Lớn) and the Chinese were especially active in trading, and by 1700, commercial trading was well-established and flourishing.
At the end of 16th century VietNam developed trade relations with Western countries such as Spain, Portugal, France, Holland and Britain. At this period Catholicism started to spread into VietNam.
In 1695, Mac Cuu from Thailand migrated and established in Ha Tien, founded the trading port, a prosperous trading spot. After several invasion of  Siam (Thailand) and Chenla (Cao Mien), Mac Cuu accepted to submit to the Nguyen’s dynasty. He was ordained by the Lord Nguyen, given the control of the Ha Tien’s territory which was later connected to Rach Gia’s province.
The Trịnh-Nguyễn War lasted from 1627 until 1672. The country was effectively divided in two. Nguyen Family (1558-1778) ruling in the central and south, and the Trinh Family (1539-1787) ruling in the north, nurture feuding governments. After fifty years of civil war, the Trịnh and the Nguyễn maintained a relative peace for the next hundred years, during which both sides made significant accomplishments. Meanwhile, the Nguyễn Lords continued the southward expansion by the conquest of the remaining Cham land. Việt settlers also arrived in the sparsely populated area known as "Water Chenla" (Chân Lạp), which was the lower Mekong Delta portion of Chenla (present-day Cambodia). The Tây Sơn army commanded by Nguyễn Huệ (Quang Trung emperor) marched north in 1786 to fight the Trịnh Lord, Trịnh Khải. The Trịnh army failed and Trịnh Khải committed suicide. The Tây Sơn army captured the capital in less than two months. The last Lê emperor, Lê Chiêu Thống, fled to China and petitioned the Chinese Qing Emperor for help. The Qing emperor Qianlong supplied Lê Chiêu Thống with a massive army of around 200,000 troops to regain his throne from the usurper. Nguyễn Huệ proclaimed himself Emperor Quang Trung and defeated the Qing troops with 100,000 men in a surprise 7 day campaign during the lunar New Year (Tết). During his reign, Quang Trung envisioned many reforms but died by unknown reason on the way of marching toward the south in 1792, at the age of 40.
After Quang Trung's death, the Tây Sơn Dynasty became unstable as the remaining brothers fought against each other and against the people who were loyal to Nguyễn Huệ's infant son. Nguyễn Ánh sailed north in 1799, capturing Tây Sơn's stronghold Qui Nhơn. In 1801, his force took Phú Xuân, the Tây Sơn capital. Nguyễn Ánh finally won the war in 1802, when he sieged Thăng Long (Hanoi) and executed Nguyễn Huệ's son, Nguyễn Quang Toản, along with many Tây Sơn generals and officials. In 1802, Nguyễn Ánh proclaimed himself Emperor Gia Long and founded the Nguyen Dynasty (1802-1945). Gia is for Gia Định, the old name of Saigon; Long is for Thăng Long, the old name of Hanoi. Hence Gia Long implied the unification of the country.
In regards to the internal policy, the Nguyễn Kings cleared land for cultivation, encouraging irrigation. As for external policy, Minh-Mang and Thieu-Tri kings sent merchant ships to trade with France, Britain, Indonesia and India.
The greatest significance of this period, however, is that it marked the opening up and settlement of the vast rich lands of the Mekong River delta. The Cambodian population in the area provided little resistance to the South readily absorbed, too, the influx of refugees who left the insecurity and tyranny of the Trinh in the North, as well as numerous Chinese immigrants. Despite these conditions, though, the Vietnamese managed to survive as a unique nation.
For a general introduction, we can not separate the history of south western region from the history of the Phù Nam kingdom, the one of Chen Lap and the history of all south east nations influenced by Indian culture in general.
Oc Eo Ancient citadel was a busy port in the Middle Age submerged under the ground. Oc-Eo Citadel was rediscovered/found when the soil was dug out to build the Ba The canal in the 1940s under surveillance of Francois Malleret. This archaeological site of 4,500 ha is situated in the Sập Mountain in Ba Thê region, Thoại-Sơn district, 30 Km southwest of Long-Xuyên city and still hold many mysteries to researchers and archaeologists.  The Oc-Eo site is a famous place known to many people inside the country and overseas. It is a vast ancient vestige site of the Phù Nam kingdom, a powerful nation in the Southeast Asia area of about 2,000 to 3,000 years ago…
From the Chinese sources, however, it can be determined that a polity called "Funan" by the Chinese was the dominant polity located in the Mekong Delta region. As a result, archaeological discoveries in that region that can be dated back to the period of Funan have been identified with the historical polity of Funan. The discoveries at Óc Eo and related sites are our primary source for the material culture of Funan. The Vietnamese historian Ha Van Tan has questioned whether the vestiges excavated at Óc Eo belonged to Funan, in view of the complete lack of any Khmer records relating to a kingdom of this name: he argues that Óc Eo gradually emerged as an economic and cultural centre of the Mekong Delta and, with an important position on the Southeast Asian sea routes, became a meeting place for craftsmen and traders, which provided adequate conditions for urbanization, receiving foreign influences which in turn stimulated internal development…
The conquest of the South which confirmed the Southwestern culture, was formed since the real important migration of Vietnamese people starting from the 17th century when the Nguyễn’s lord conducted the massive migration from the Ngủ Quảng’s provinces - Quảng Nam, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Đức (Thừa Thiên), and Quảng Nghỉa (Quy Nhơn). It was combined with the sparsely nomads after failure of previous Ming dynasty (prior to Manchu regime leaded by generals Dương Ngạn Địch, Trần Thắng Tài and Mạc Cửu), along with sporadic migration in the 15th century of the Khmer people from various regions of Cambodia, overflowing the Tiền River, Hậu river to avoid the massive killing clan of lord Siam, and the natural migration of Muslims (Chăm) to Châu Đốc, combined with the process of nomad in place of different ethnic communities to set up farming village. Therefore the cultural identity of Southwest region was really established. Through the integration between different ethnic communities created new developed culture and economy of a greater southwestern territory. That was a regional young culture, rich, multi-ethnic, multi-religious and multi-colors. Despite of that, the cultural characteristics of Khmer ethnic have remained in many rural areas - especially areas with the distinctive nature of Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, An Giang, Kiên Giang and Cà Mau. 
From the above hypothesis we can assume that our ancestors originated from a combination of the remnants of Tây Sơn to avoid the King Gia Long arriving from Ngủ Quảng and An Khê (Pleiku) plus the migration of Ming people prior to Manchu dynasty, the migration of the Khmers to avoid the extinction of the king of Siam and the lords Cham Muslims. Gradually they learned to cultivate, to build houses and boats, to develop agriculture of rice, to fabricate copper, metalworking, textile, manufacturing, painting, to carve statues, scientific thinking even to create their own language. And with a long history by chance, over a thousand years of Northern influence and more than a hundred years of French domination had contributed greatly to south western culture...
To understand the southwestern culture, of course, one must look at the characteristic traits of humans. Because humans are the owner of every language and action which have a profound impact on music, literature and architecture, festivals and customs, we will explore the features of the southwestern cultures and customs such as New Year festival, Mid-Autumn festival, ancestor’s worship and its anniversary of death, weddings, Lunar festivals with the Soc Trang “Ghe Ngo” boat racing, Buddhism with Lady Chau Doc’s temple, folkloric music and floating markets of Cai Be, Cai Rang, Nga Bay and Nga Nam…

Floating markets-Ngã Bảy Ngã Năm, Cái Răng and Cái Bè
Originally local inhabitants of southern provinces moved mainly by boats on waterways. Then the boats became floating markets with time.
Together with Cái Bè and Phụng Hiệp, Cái Răng Floating Market in Cần Thơ City is one of the three biggest in the Mekong Delta. The shops and stalls at these markets are boats of different sizes. Different markets have its own particularities.
Once you arrive there, you will sense yourselve the living environment imbrued with delta activities: hundreds of merchandises’ sampans and boats in close proximity to one another and dealing in fruits and agricultural products of all kinds, even fuel supply. Sightseers also have a chance to witness the river-based life of many merchandising families.
Cai Rang Floating Market is open all day but it is busiest from sunrise to about 9am. The main items sold there are farm products and specialties of Cái Răng Town and neighbouring areas. Every boat has a long upright pole at its bow on which samples of the goods for sale are hung (cay beo). Sellers tie their goods to a tall pole so that buyers can see from a distance what they are selling.
During the early morning market hours, larger sized boats anchor and create lanes that smaller boats wave in and out of. The waterway becomes a maze of hundreds of boats packed with mango, bananas, papaya, pineapple, durians, rambutan and even smuggled goods like cigarettes. Sellers do not have to yell out about their goods because their goods can be seen from a distance and they cannot be heard in the vastness of the river and the noise of boat engines. Small boats that sell beer, soft drinks and wine wiggle through the other boats to serve market-goers and visitors.
Each boat is loaded with plenty of seasonal goods. Activities at the market are also an occasion for tourists to study the cultural aspects of southerners.
The floating markets represent a cultural life of south westerners. Even today new roads are developed and ready for efficient transportation but those markets still exist in bustling waterways…         

Renovated Opera/Stage Performance (Cải Lương)
The principal supporting songs in Cải Lương is the Vọng Cổ (literally, nostalgia for the past). Cải Lương owes much of its success to the sweet voices of the cast, much appreciated by the audience. Upon hearing the first bars of the well-loved Vọng Cổ, the audience reacts with gasps of recognition and applause heavily. Cải Lương is a form of folk music that originated in the early 20th century. Cải Lương was first played by amateurs in the Bạc-Liêu province. Due to their soft voices, south westerners sing Cải Lương very romantically and lyrically.
Performance of Cải Lương includes dances, songs and music’s. The music originally drew its influence from southern folk music. Since then, the music of Cai luong has been enriched with hundreds of new tunes. A Cai luong orchestra consists of danakim and guitars with concave frets.
Over the years, cai luong has experienced a number of changes and, as a result, has become a highly appreciated form of stage performance highly appreciated by the Vietnamese people as well as foreign visitors.
Cải Lương and the Vọng Cổ still exist today in the Mekong delta region where the countryside people with leisured living style had sufficiently time and conditions to enjoy those elegant entertainment fashions. Thereby, the Cải Lương and the Vọng Cổ were born from rural area, procuring the old songs then renovate them according to their local needs and circumstances.

Part 2 – Customs and Traditions

Ancestor’s worship
At the time of this writing, the ancestor’s worship in southwest region is evolving a lot comparing to pre-1975.
A very popular custom among Vietnamese is the cult of the ancestors. In every household, an ancestor altar is installed in the most solemn location. South westerners believe that their ancestors still have a great influence on the fate of their living today. The dead and living persons still have spiritual communion; in everyday life, people must not forget that “they enjoy and how they feel” is the same as it is for their deceased relatives.[16]
On the anniversary date of an ancestor’s death, descendants and relatives gather and prepare a ceremony to worship the dead, to bid farewell to deceased persons and to ask for health and happiness for themselves. From generation to generation, ancestor’s worship customs have always been preserved. There are some variations in those customs among the many Vietnamese ethnic groups or religions, but a common theme of fidelity and gratitude towards the ancestors persists.
The way of showing gratitude of the descendants to ancestors is related to the socio-economic conditions. For example, my family had built the tomb of my father which proves current family economic conditions, and my mother is very proud of this because "people think it is the most beautiful and prestigious tomb in Phung Hiep”. This created the jealous sentiment among the family’s members. Thus today we have seen in the cemetery so many large and beautiful tombs. However, the real value of a tomb resides at the care of descendants. The beauty of the tomb does not only prove success in terms of financial conditions but also the dedication of a family with a good moral foundation. Along with worship, the grave of our father highlights the moral strength of our family.
Each year on the anniversary date of ancestor’s death, the southern people organized ceremony to bid farewell to our deceased parents and grand parents. According to the traditions, we offered to the deceased his favourite dish with a bowl of rice, on the altar, the same plate he liked, as if he was still alive. Therefore the southwesterners called the anniversary ceremony with a new name as "worship of rice”. The guests as well as family members gather together to share good souvenirs of the death. Master of ceremony which is often head of family, well dressed in fresh cloth and carefully examines all offerings before stepping on floor covering in front of the altar, knelt, hands crossing the forehead and bowed four times. One of two accompanies who usually are children or descendants, standing on the two-sided of altar gave the family chief 3 incense sticks and backed off to their usual positions. He then lights three sticks of incense on the altar, kneels, joins hands in front of his chest, bows his head and prays. Light incense was lit before, when the food is presented on. The second accompany opens liquor flasks and pours wine in three cups, one of water and others with wine.
After the ceremony, the entire family sits down to enjoy the meal typically consisting of steamed chicken, bamboo shoot soup, banh tet and fresh fruits. They reminisce with their ancestors.
In general the south westerners are really proud of worshipping ancestors, or in other words this gives them the opportunity to communicate and develop closer relationships among relatives and to share old sad, happy souvenirs together.
I remember one instant on the eve of my father’s funeral reception, all relatives from my father’s and mother’s sides gathered together, some from Phong Dinh and others mostly from SócTrăng and Bạc Liêu, the serving of a warm meal had created the sentiment of family ties among the siblings.
It is said that the ancestor ceremonies have played a very significant role in the life of southwestern people in particular and of Vietnamese in general today.

Grave Visiting Ceremony “Têt Thanh Minh”
Visiting the ancestral tomb is a special aspect of southwestern culture, considered as a religion of "cult of our ancestors" which has become a long tradition. Despite difficult living conditions, even though three to four years working far away, but southwestern inhabitants won’t forget to be home for a family reunion. Many families believe that “tet Thanh Minh” is a good occasion to express gratitude to their grandparents, tell the stories happened to the members of their families.
Early in third month of lunar year (usually late March or early April), the weather is called “Thanh Minh”. Thanh Minh means cool sky, clear and fresh. It is time for people to visit their ancestor’s grave, they then remove weeds, clean trees around the tomb, or renovate the tomb of the deceased family ancestors of several generations. They believe that the tomb of their ancestors is the house of the deceased person. Therefore they decorate the graves and maintain the tomb as clean as a magnificent and beautiful place of living.

Chinese Lunar New Year
According to occidental tradition, Christmas is the most solemn day of the year while Asian people celebrate the most popular Chinese Lunar New Year instead, where as the formal name is Nguyên-đán. New Year’s like Christmas, New Year’s and Valentine’s Day in the West, all wrapped into one angst-ridden celebration. Tết is a very important festival because it provides one of the few breaks in the agricultural year, as it falls between the harvesting of the crops and the sowing of the new crops.[16]
Tết is the biggest and the most sacred festival. Tet according to southwestern tradition is a family-oriented celebration. It is the most exciting event to a majority of the Vietnamese because it is a time for family members to gather together after a year of absence and to burn incense on the altar to honour their ancestors. This is also a time for people to visit and send greetings to their neighbours, friends and relatives. Tết days are always regarded as an opportunity to enjoy traditional foods such as “bánh chưng, bánh tét” (sticky rice cake), the fragrance of which alone could strongly provoke one’s sense of nostalgia for Tết.
Southwesterners do not say “celebrate” when speaking of Tết, the word “to eat” is used as expression. They said “go home to eat Tết” which became an unforgettable tradition. The childhood nostalgia reminded me of the New Year flower market set along the river in my town. Hồ Nước Ngọt recreational center of Sóc Trăng offered a variety of entertaining games and plays for children.
In my childhood Tết was often the most exciting part of our life. The best outfit was always worn on the first day of the year. I can hardly wait for the first day of New Year to wear brand new cloth and shoes to visit our relatives in Phong Dinh.  We came home then with a lot of red envelopes “lì xì”. My family prepared well in advance for the New Year by cleaning the house, polishing the copper and silverware and paying off all their debts, if possible.
Tết is also a season’s greeting among friends and relatives. They offered red envelopes which symbolized luck and wealth. This is a cultural practice of south westerners that has been maintained for generations. It is very common to see older people giving away sealed red envelopes to younger people with money in it. Before the younger ones could receive the envelopes, they have to perform a certain verbal greeting.
Flower buds and blossoms are the symbols for new beginnings. These two distinctive flowers are widely sold and purchased during Tết. Hoa Mai is the yellow apricot flowers often seen in Southern Viet Nam. Hoa Mai is more adaptable to the hot weather of southern regions, thus, it is known as the must- have flower in every home. Hoa Anh Đào are the warm pink of the cherry blossoms that match well with the dry, cold weather from the North. Tết is not Tết if there were no sight of Hoa Mai (south) or Hoa Anh Đào (north) in every home.
I remember my mother provisionned all materials and ingredients a few weeks in advance to make “bánh tét” (sticky rice cake), incense, various fruits. The Tet ambience might be felt everywhere a month prior to Tet in southern region. For young girl and boys Tet is the great occasion to know and get acquainted with each others as new lovers…
Giao Thừa is the most sacred time of the year. In the old days, Tết was celebrated with fireworks and firecrackers. We believed that the loud noise would scare the evil spirit away and bring good fortune. Massive strings of fireworks, the longer the better, are attached to the front of every house. When New Year's Eve comes, everyone competes in burning fire crackers.
The Tết’s ceremony is held on the first day of the New Year before noontime. The head of the household should perform the proper ritual (offering food, wine, cakes, fruits, and burn incense) to invite the souls of the ancestors to join the celebration with the family. This is the time families honour the souls of their ancestors and present the welfare of the family.
The days after the New Year are the time for visiting extended family and closed friends and no one dares to arrive empty handed. People visit the most loved ones on the first day, and the less important ones on the second and third days. The custom of “xông đất” or “xông nhà” still remains nowadays, especially among families with businesses. Therefore, the first houseguest to offer the greeting is very important. If that particular guest has a good aura (well respected, well educated, successful, famous, etc.), then the family believes that it will reflect the family’s future luck, good fortune and wealth throughout the year. It is a common belief that during the first three days of Tet, it is not allowed to clean the house because they believe that such gesture will get rid of the good fortunes and chances.
Despite all changes, that rapid development has wrought today, the family is still the most important institution in the southwestern society.
                                                
Mid-Autumn Festival (Festival of the Moon)

The Mid-Autumn Festival is a children's celebration in which the adults also join. Festival of the Moon, Moon cakes. Moon cakes or "mid-autumn cakes" are a mixture of fruit and other sweets wrapped up in a thin crust in the shape of a full moon, about two or three inches in diameter and a half-inch thick. According to a long established custom moon cakes must be exchanged with relatives and friends on the day preceding the Autumn festival.[16]
Starting from the beginning of the eighth month in lunar calendar, the markets in the Southwest are filling of nuances of Mid-Autumn Festival. Lanterns, moon cakes, white coconut cakes are sold everywhere in the splendidly lighted shops. The streets are full of people buying and those who wander at leisure all crowding and pushing one another during these festival-like days.
Besides the assorted paper lanterns, cakes, candies, there are toy animals made of rice dough, the dragon (unicorn) heads and faces of the Earth God made of paper and displayed everywhere in the markets. In rich families, the mid-autumn banquet is organized in order to show up their nubile girls' cooking abilities. This is a truly animated sight. This is a delightful festival for children and most pleasant for the adults to watch.
In many Western countries where the Vietnamese children are living, there is a special festival day for children called Halloween. On this day, the children dress themselves up as sorcerers, supermen, monsters; they swarm in many bands, and scare people while asking for candies. What a fun sight!
However, Halloween seems very similar to the Vu-Lan day in Vietnam. According to ancient’s superstition, on the Vu Lan day, the spirits are released from Hell to the Land of the Living in order to have a good time. So, every family prepares to feast offering to the spirits. The offerings are then distributed to children and the poor people.
The welcome-the-moon party in the evening is a good opportunity for the children not only to enjoy the food, but also to learn more from their grandparents and parents. They are told how to prepare the party in the most attractive way. To decorate the party, there is always a "doctor" made of paper or dough, which reminds the children of the high achievements to be obtained in their studies. The time to start enjoying the party is solemnly shared by the whole family and becomes the most sacred moment of the Mid-Autumn Festival. In the bright moonlight, clear sky and fresh environment, everybody is relaxed with a pure and detached joy.

Wedding of southwesterners

In the old days of southwestern region, marriage was inconsistent with current civilization. The couple got married at very young ages, let say 14 to 15 years old. Therefore our grandfather’s families got often a lot of children and they thought that was the happiness to have plenty of children. The intellectual development was not mature and they were already married. Many girls whose mouth still tainted with milk was made wife to other family. So the baby was born immature and difficult to raise or with weak body or disability which resulted in a weak race. Moreover, the young kids are at the age to get a good education, to learn life lessons in order to build a strong and better family later. Then they got married so young and they would rely on the future of their children only, lack of intellectual matter.
Nowadays boys and girls tend to get married at an older age. Marriage was and continues to be an important event in the life of south westerners. The procedure of ancient wedding ceremony was very complicated and considered as less civilized. First, there was a proposal ceremony (dam hoi equivalent to occidental engagement) in which the groom’s family brought offerings to the bride’s house, after which the young couple was considered to be engaged. Then, there was a ceremony during which the groom’s family brought flowers and fruits to the brides’ parents.
The main celebration would take place on a previously selected date and time when the groom’s family would go to the bride’s house to take her away. The day after the wedding, the couple went to the bride’s house to worship her ancestors.
Ancient wedding ceremonies were very expensive, and today they tend to be much simpler.
Engagement is an important ceremony before the wedding which involves both fiancé’s and fiancée’s families. In the past, engagement ceremony was considered as important as the wedding ceremony because it was an official day to announce the wedding, the relationship between two families. Nowadays, it is less important and varied for each region. In the big city the engagement ceremony could be celebrated 1 day before (and 1 month in the countryside) the wedding ceremony.
Before the engagement day, each family chooses a representative. This person is a member of the family who has a happy life, nice looking person and a high ranking position in the family. Both of these persons represent- families, exchange gifts and control the flow of the ceremony. Besides choosing the representatives, both families sit together to negotiate the dowry and the good time for the ceremony. The time is chosen very carefully based on the propitious time and day of lunar calendar.
In the past, a groom of 20 with an 18-year-old bride would be considered an ideal couple. Today, education, female emancipation, and the need to pursue a career have raised the figures by five or even ten years for middle-class city dwellers. Working class couples in the countryside still tend to marry earlier.
The first step of marriage is usually when the young man's parents consult a fortune-teller to see whether the couple is destined to live together as husband and wife. If so, he will formally request the young woman's hand. The young woman's parents will usually ask for a sum of money to cover the costs of the marriage preparations.
South Vietnamese people believe that some days are particularly auspicious, so choosing appropriate days for the engagement and the wedding is another task for the fortune-teller.
The wedding ceremony starts in front of the altar. The bride and the groom would kneel down and pray, asking their ancestors' permission to be married, also asking for blessing on their family-to-be. The couple then turn around and bow to the bride's parents to thank them for raising and protecting her since birth. They then bow to each other, to show their gratitude and respect toward their soon-to-be husband or wife. The Master of the Ceremony would gave the wedding couple advices on starting a new family. The groom and the bride's parents would take turn to share their experience and give blessing. The groom and the bride then exchange their wedding rings. The parents will give the newly wedded value gifts such as golden bracelets, ear rings, necklace... The ceremony is ended with a round of applause. 
Today, a lot of Vietnamese couples have their wedding ceremony done in Temples or Churches which is very much similar to American and Western style, renting Mercedes-Benz to bring the bride to the groom’s home including exchanging vows and wedding rings. However, they still maintain Vietnamese traditional ceremony at the bride's home before heading to temples or churches.

Part 3 – Festivals

The Ooc-Om Bok festival with Boat racing
Ooc-Om-Bok Festival is a religious service that worships the moon deity of  the Khmer minority group and prays for good luck, happiness, good weather and bumper crops. The festival is usually held when the dry season begins and rice is ripening in the fields.
The main purpose of this festival is to pray to the Moon God for abundant crops and fish from the rivers, as well as good health for the villagers. When the moon begins to appear on the 15th day of the 12th month of bouddhist calendar (equivalent to 10th month of lunar calendar), people place trays of offerings composed of green rice flakes, ripe bananas, fresh coconut and potatoes in the pagoda yard.
The Moon-worshipping ceremony takes place on the evening of 14th of tenth lunar month before the moon is full. The ceremony is held in the yards of the pagoda or in people’s houses. People erect bamboo poles with a crossbar on which they decorate with flowers and leaves. Below the poles is a table of offerings that include green rice flakes, potatoes, bananas, coconuts, grapefruits, oranges and cakes. People sit on the ground with their legs crossed, clasping their hands before the altar and look up to the Moon. An old master of ceremonies says his prayers, asks the moon deity to receive the offerings and bless people with the best of fortune.[16]
After the ceremony, the elders ask the children of the house to sit flatly on the ground, legs crossed, before the altar. The elders then take a handful of green rice, feed each child and ask them what they wish while clapping their backs. If the children answer the question clearly and politely, all the best of luck  will come to them that year. After that, people enjoy the offerings together, and children play games or dance and sing in the moonlight. Anyone who visits the Khmer’s houses on this occasion will have a chance to taste com dep (a kind of young sticky rice). At the pagodas of Khmer people, locals hold paper-lantern releasing into the sky and putting on the rivers. The custom of releasing flying lights and floating lights is believed to sweep away the darkness, impure and sadness from the village. Many traditional activities of the Khmer are organized on the evening of 14th.
In parallel Soc Trang’s inhabitants also organized “ghe ngo” boat race with the participation of many teams from the neighbouring village or provinces. Prior to pull Ghe Ngo to the water, athletes must do rehearsal by swimming on the wood platform assembled in the large ditch. This phase is mainly to synchronize the rhythm of the team’s members and improving the captain command. A week before the race, the monks just made a ceremony "Niec" allowing teams to set foot in the river water. When racing, the objective of the boat is trying to get the best water lanes. Before the race it is absolutely not to allow the opponent's nose touched their “ghe ngo” because they feared of "bad luck" as ghe ngo could sometimes be broken. As a tradition, when the two boats are on the race and if there is an intentional hit from one of those boats which tried to touch others. In this case the referee would judge “equal” ranking for both boats.
During the boat race, the driver directs the boat on the right track to match the rhythm of the team as determination of performance. The boat speed might reach over 30km/h. The boat could easily turn up side down with bad command, especially in the turnaround. The boat construction technique is quite a secret only known by artists, especially the art of using resilient wood to build boat. In order to get the command position, the commander not only a person with strength but he also must be a great volunteer of their village, having good efforts and good financial situation.
For a distance of about 5km along the waterfront, the street is very crowded with the fans which made noise of the animated "Moon River". It is very hard to set foot on the grand stand, many people have climbed to the roof, on the trees or swim into the river to see boat race. During the night prior to the race, thousands of Khmer people who could not sleep roamed and wandered in the streets in order to see the Soc Trang City Performing Arts and ethnic costumes show of SocTrang province.

Buddhism and Lady Chúa Xứ Temple
Buddhist ideology does not advocate the practice of worshipping God in a physical form. Hence, quite often, it is not really seen as a religion in the normal sense. The basic tenets of Buddhist teaching are straightforward and practical - nothing is fixed or permanent; actions have consequences; change is possible. It teaches practical methods, such as meditation, which enable people to realize and utilize its teachings in order to transform their experience. They are taught to be fully responsible for their lives and to develop the qualities of wisdom and compassion.
According to my memory southwestern inhabitants celebrated 2 major festivals, after Chinese New Year – Buddha’s birthday and pilgrimage to “Bà Chúa xứ” temple. The Buddha's birthday festival was held in our country in large scale and considered as a national festival, because in fact from early Buddhism introduction to the southerners the Buddha's birthday ceremony was already honoured. The Buddha image was displayed to Buddhist for public admiration in order to show the Buddhist spirit and the morphology of living faiths. Therefore Buddha anniversary festival is essential to south westerners. On one hand it helps people when they see the Buddha image then they will find the Buddha's in themselves, then, on other hand this will help to communicate across all levels of society and get them closer together in the spirit of compassion, wisdom, selfishless with a proverb as "wherever one works, on April 8th , everyone should gather in the pagoda"
Annually from the 25th to 27th of the fourth month, local people and countless pilgrims from the southern provinces flock to the Bà Chúa Xứ temple in Châu Đốc. This custom existed for hundreds of years. We cannot wait until the next morning to go for a long pilgrimage. Thousands of pilgrims took the road with one goal in mind, flocking to Châu Đốc city to celebrate “Vía Bà Chúa Xứ”.  We just intend to give readers the overview of Buddhism in Vietnam, this article focuses mainly on the great times and significant events that have great impacts on southwesterner’s life.
Today we are living in a stressful world where people have to work very hard physically and mentally. The keen competition happens everywhere. People’s daily life is full of mental frustration, worries, miseries, anxieties, tension and fear. Therefore those rituals provide us the meditation and relaxation moments for our own wellness.
According to one writer, the most important thought in all religions is the "self-belief" or self-confidence. It can be a powerful belief in God, in Buddha or most importantly the self-confidence. To have self-confidence one must first manage to succeed, or to know his strength and beauty in his heart. To gain the "self-confidence" we have to live fully at every moment of our life, learn how to be useful to ourselves and others. We must let our selfishness go away and be ready to integrate to our community. If we have such a solid inner life, the self-confidence is not an issue anymore. Then the self-confidence with knowledge is always an important element of success...

Final Thoughts
If each of us could see that our life is driven apart from the evolving way of life of Viet Nam, we will soon remember that we need to be back to “our homeland” to look after the “land of our ancestors” and eventuallygo back to southwestern region where our ancestors had work hard to develop and build our homeland. It is like having the Chinese Emperor who built Great China, Sun Emperor representing Japan, the Dragon King and the Fairy Lady who are  ancestors of vietnamese people.
As a child originated from southwestern region, I always have the pride of our beloved southwest land with unforgettable childhood nostalgia. Living among diverse communities with many different nationalities, we are very proud of our Vietnamese identity and among Vietnamese community, we take pride to being a southwestern child.
The country’s nostalgia lies in our blood. The southwestern region is the place where we were born and raised, where there were a lot of fields filled with golden color paddy, with birds flying high and green fruits, where the kids enjoyed swimming in the river reminding us that relatives are still living there. It is compared to an expatriate who never forget his famous folk verses (ca dao), the southern “vọng cổ” of somebody on the river, the lyrical poem sung by a mother in a hot afternoon in the southern region and the Vietnamese culture…
When we live abroad, well influenced by the western culture, we used to compare the new civilized life as “eating Chinese foods, living in French home and deserving American-style amenities”, but at the end,” we all want to go back to live in our homeland”. The immortal saying does not suggest that our south western region’s life is better than occidental countries. In reality our south western people are still very poor, our beloved country is still very much lack of physical comforts. Therefore we always have a wish to see our south western people’s life getting better... As former southwesterners living abroad this is our responsibility to preserve, promote and expand our southwestern Culture identity…
To close the detailed memory of a mid-50’s men story from overseas, dreaming to understand the origin of southwestern region, the famous popular verses (vong co), the ‘bong bong’s sound of ghe ngo boat embedded in the memory, and the unforgetable peaceful life of the village, I thought that when the culture is lost, people will no longer recognize their identity, the youth of the next generation will wonder where our culture comes from and where we are heading to….



Nguyễn Hồng Phúc

Commented and edited by a group of friends:
Nguyễn Tuyết
Cathy Phan
Huỳnh Ngọc Minh
Trần Thu Hương
Prof. Nguyễn Chí Thân

 Reference Documents:
1.      Tìm hiểu đất Hậu Giang – Nhà Xuất bản Phù Sa, Sài gòn 1959. Sơn Nam. Pages 25-35
2.      Việt Nam Sử Lược – Trần Trọng Kim. Bộ Giáo-Dục Trung Tâm Học Liệu xuất bản -1960. Pages 137,139,140
3.VietNam Tourist Guidebook
4.http://www.dulichanz.com/Cho-noi-Net-dac-trung-cua-song-nuoc-mien-Tay/
11.http://www.lyhocdongphuong.org.vn/News/03/Tuc-chon-nguoi-xong-nha-dau-nam/7/2197/
12.   Lịch sử Việt Nam – Phan Huy Lê, Trần Quốc Vượng, Hà Văn Tấn, Lương Ninh. Nhà Xuất bản Đại Học Chuyên Nghiệp Hà Nội 1991
13.   Việt Nam Văn Học Sử Yếu – Dương Quãng Hàm. 1941 Nhà Xuất bản Xuân Thu.
14.   A History of VietNam from Hong Bang to Tu Duc. Oscar Chapuis. Greenwood Press 1995
15.   Việt Sử Toàn Thư - Từ Thượng Cổ đến Hiện Đại – Phạm Văn Sơn. Nhà Xuất bản Xuân Thu – 1960. Page 370
16.   VietNam-Culture.com. Đọc từ tài liệu Internet 


Comprendre la culture de la région du sud-ouest

Nguyễn Hồng Phúc

(A la demande de nos amis en Amérique du Nord et en Europe, cet article extrait de plusieurs documents est écrit en 3 langues afin de donner un apercu à nos enfants de l’histoire et de la culture du Sud-Ouest où leurs parents ont vécu.
Remerciement à nos amis et compatriotes de Soc Trang et Taberd Saigon – Trần Thu Hương, Cathy Phan, Huỳnh Ngọc Minh, Nguyễn Thị Mỹ Hường, Nguyễn Chí Thân (Sunderland University Thủ Đức)  et Nguyễn Thị Tuyết qui ont contribué à l’achèvement de cet article)

Chapitre 1 – Histoire et Géographie

Préface - Depuis mon enfance, j'ai aimé entendre certaines pièces de musiques folkloriques tels que: mon village, l'amour nostalgique du pays, Vietnam mon pays, le parfum de la terre, etc ... Ces chansons se trouvent toujours dans mon subconscient enfantin jusqu’ à ce jour ... J'ai l’ambition qu'un jour je comprendrais l'histoire et la culture de mon pays ... la région du sud-ouest. Malgré que mon pays d’aujourd'hui n'est pas encore parfait, et que la population est encore très pauvre, c'est l'endroit où l'on m'a enseigné que c'est mon pays. Le pays est le lieu qui nous rappelle des souvenirs, òu l’on espère avoir une meilleure vie, et on veut tous retourner vivre dans les vieux quartiers remplis d'amour et de joie ...
Ayant quitté leur pays depuis tant d'années, les gens se souviennent toujours de leur pays. Même aujourd'hui, beaucoup de Vietnamiens expatriés, éparpillés dans le monde, ont bien réussi dans leur carrière et tiennent des positions importantes dans la nouvelle société, mais leur cœur et leur âme sont encore avec leur pays.
Le pays de la forme d’un S qu'un poète nommé Chế Lan Viên a comparé comme «un bateau qui sillonne à travers les vagues» a subi des  douleurs excessives pendant plusieurs décennies de guerre. Mais ce pays, selon mon point de vue, représente les larmes qui coulent dans la nuit ou encore la forme rétrécie d'une mère (par des frissons) qui attend ses enfants vivant de l'autre côté de l’océan.
          Depuis plusieurs milliers années d'histoire, le Vietnam n'a jamais connu un exode aussi massif qu’en 1975. Autrefois nous avions pensé qu’avec une telle migration nous ne serons jamais en mesure de retourner au pays mais en réalité, grâce à la nostalgie du pays et l’attache que nous portons à notre famille, plusieurs y sont retournés pour vivre comfortablement leur retraite. Nous étions attachés au pays par notre sang, par notre peau et cet attachement va nous suivre dans notre nouvelle vie à l’étranger.
Nous nous sommes orientés vers notre pays avec la nostalgie de l'enfance, de la vie rurale paisible sous le toit orné de fumée bleue, le long du fleuve vert ... Nous avions quitté notre pays, larmes aux yeux et sachant qu'il n'y avait pas de date de retour possible.
Après plusieurs années à l'étranger, nous nous dirigeons maintenant vers le chemin du retour en passant à travers les rues qui ont changées de noms et les nouveaux buildings intercalés avec ceux aux toits pourvus de vieilles traces de rouilles. Les rues tranquilles d’autrefois sont maintenant plus animées et remplies de marchants ambulants sur le trottoir. La nouvelle vie avec des couleurs variées est en harmonie avec l’animation des jeunes et les soucis des vieux…                 
Nous vous invitons à nous joindre pour le retour dans notre pays afin de partager nos émotions en rentrant à la maison, remplie de nostalgie enfantine. Pour comprendre davantage la culture du sud-ouest, nous visiterons la grande ville de My Tho, le quai Ninh Kieu le long de la rivière de Cần Thơ, nous retournerons à Bạc Liêu pour entendre la Musique folklorique amateur (Dạ Cỗ Hoài Lang), nous arriverons à la ville de Sóc Trăng pour assister au festival Ooc-Om Bok avec joie et finalement nous pénétrerons dans les forêts de cajeput et de mangrove de Ca-Mau ...
A la mémoire de mon cher père qui a tempéré ses enfants avec la nostalgie du pays à jeune age et le courage d'écrire la fameuse histoire sur la culture de la région du Sud-Ouest.
----o0o----
Chapitre 1 : Histoire et Géographie de la région Sud-Ouest

En 1679, les armées de la dynastie Minh (Minh Huong) dirigées par 2 généraux chinois Trần Thắng Tài et Dương Ngạn Địch naviguèrent à Thuận Hóa avec 3.000 soldats bien armés demandant de l'aide militaire du gouvernement vietnamien. Le seigneur Nguyễn Hiền Vương pensait que s'il ne les accepterait pas ils pourraient riposter son gouvernement. Seigneur Nguyễn les a donc accepté, reçu et envoyé à Biên Hòa - Islet City et Định Tường - Big City pour explorer les nouveaux territoires avec un message indiquant que ce sont ses territoires nouvellement développés.
Général Trần Thắng Tài s'installa à Biên Hòa et développa ces nouvelles terres tandis que le général Dương Ngạn Địch et ses troupes dirigèrent vers Định Tường. Depuis, ces nouvelles villes devinrent les centres commerciaux les plus prospères dans le sud du Vietnam. En 1771, la révolution de Tay Son qui a éclaté à Quy Nhơn, était sous le contrôle de trois frères, Nguyễn Nhạc, Nguyễn Lử et Nguyễn Huệ, non liés au seigneur Nguyễn. En 1776, les Tay Son ont occupé tous les territoires du Seigneur Nguyễn et tué presque toute la famille royale. Le survivant prince Nguyễn Phúc Ánh (souvent appelé Nguyễn Ánh -Gia Long) s’est enfui vers le Siam (Thaïlande), et a obtenu le soutien militaire du roi du Siam. Nguyễn Ánh revint avec 50.000 soldats siamois pour reprendre le pouvoir, mais fut défait et presque tué, à la bataille de Rạch Gầm-Xoài Mút. Nguyễn Ánh s’est enfui de nouveau, mais il ne renonca pas. En raison de la guerre entre le seigneur Nguyện et Tây Sơn, la population s’est déplacée graduellement à Bến Nghé (Chợ Lớn) où les Chinois ont été particulièrement actifs dans le commerce. Puis en 1700, ce commerce a été bien établi et florissant…
À la fin du 16ème siècle le VietNam a développé des relations commerciales avec les pays occidentaux comme l'Espagne, le Portugal, la France, la Hollande et l'Angleterre. C’etait à cette période que débute la propagation du catholicisme au Vietnam…
En 1695, Mac Cuu, émigrant de Thaïlande, a mis ses pieds à Ha Tien et a fondé le port commercial, un commerce prospère à l’époque. Après avoir ete envahi plusieurs fois par le Siam (Thaïlande) et Chenla (Cao Miên), Mac Cửu accepta de se soumettre à la dynastie des Nguyễn et le Seigneur Nguyễn l’a couronné et lui a donné le contrôle du territoire de Hà Tiên, adhéré plus tard à Rach Gia.
La guerre entre les clans Trịnh-Nguyễn a duré de 1627 à 1672. Le pays a été effectivement divisé en deux. La famille Nguyễn (1558-1778) était au pouvoir dans le centre et le sud tandis que la famille Trinh (1539-1787) occupait le nord, résultant en un gouvernement féodaliste. Après cinquante ans de guerre civile, les Trinh et les Nguyen ont maintenu une paix relative pour les cent prochaines années, pendant lesquelles les deux parties ont fait des réalisations importantes. Pendant cette période, les seigneurs Nguyễn ont continué l'expansion vers le sud par la conquête des terres restantes de Chăm. Les colons Việtnamiens ont aussi arrivé dans cette région peu peuplée connu sous le nom «L'eau Chenla» (Chân Lạp), qui représentait une plus faible portion du delta du Mékong Chenla (aujourd'hui le Cambodge).
L’armée Tây Sơn commandée par Nguyễn Huệ (empereur Quang Trung) marcha vers le nord en 1786 pour lutter contre le seigneur Trinh, Trinh Khai. L'armée Trịnh échoua et Trịnh Khải s'est suicidé. L'armée Tây Sơn s’est emparée de la capitale en moins de deux mois. Le dernier empereur Lê, Lê Chiêu Thống, s’enfui vers la Chine et demanda de l'aide à l'empereur de Chine Qing. L'empereur Qianlong des Qing a donné à Lê Chiêu Thống une grande armée d'environ 200 000 hommes pour reconquérir son trône de l'usurpateur. Nguyễn Huệ s'est proclamé empereur Quang Trung et a défait les troupes Qing avec 100 000 hommes dans une bataille surprise pendant 7 jours de la nouvelle année lunaire (Tết). Pendant son règne, Quang Trung a envisagé de nombreuses réformes mais il est mort de raison inconnue quand il marchait à la conquête du sud en 1792, à l'âge de 40 ans.
Après la mort de Quang Trung, la Dynastie deTay Son est devenue instable comme les frères restants qui ont combattu les uns contre les autres et contre les gens qui étaient fidèles au jeune empereur de Nguyen Hue. Nguyen Anh a navigué vers le nord en 1799, capturant le citadel de Tây Sơn's Qui Nhơn. En 1801, son armée a conquis Phú Xuân, la capitale de Tây Sơn. Nguyễn Ánh a finalement gagné la guerre en 1802, quand il a assiégé Thăng Long (Hanoi) et exécuté le fils de Nguyễn Huệ, Nguyễn Quang Toàn, ainsi que de nombreux généraux et fonctionnaires dee Tây Sơn. En 1802, Nguyễn Ánh se proclama empereur Gia Long et fonda la dynastie des Nguyễn (1802-1945). Gia est la première lettre de Gia-Định, l'ancien nom de Saigon, et Long est le dernier mot  de Thăng Long, l'ancien nom de Hanội. D'où Gia Long implique l'unification du pays.
En ce qui concerne la politique intérieure, les empereurs Nguyen ont réparti et distribué les terres aux citoyens pour l’agriculture, en encourageant l'irrigation. Comme une politique extérieure, les empereurs Minh-Mạng et Thiệu Trị ont envoyé des navires de commerce pour faire des échanges avec la France, la Grande-Bretagne, l’Indonésie et l’Inde.
La plus grande réalisation de cette période, toutefois, est  l'ouverture et la colonisation des vastes terres riches du delta du fleuve Mékong. La population cambodgienne ne manifestait que peu de résistance dans le Sud-Ouest et elle était facilement intégrée, à l'afflux de réfugiés, qui a quitté l'insécurité et la tyrannie du clan de Trịnh dans le Nord, ainsi que de nombreux immigrants chinois arrives dans le temps de Mạc Cửu, Dương Ngạn Địch et Trần Thắng Tài. Grâce à ces conditions, les Vietnamiens ont réussi à survivre en tant que nation unique pour des générations apres…
Pour avoir une idée générale, nous ne pouvons pas séparer l'histoire de la région du sud-ouest de celle du royaume Phù Nam, de l'histoire de Chen la et d’autres nations influencées par la culture indienne en général.
L’antique citadelle Oc Eo était un port très actif au Moyen Age immergée sous la terre. Cette citadelle Oc-Eo a été redécouverte / trouvée lorsqu’on a  creusé pour construire le canal Ba Le, dans les années 1940 sous la surveillance de François Malleret. Ce site archéologique de 4500 ha est situé dans la Montagne Sập de la région Ba Thê, district de Thoại Sơn, 30 km au sud de la ville de Long Xuyên. Ceci recèle encore de nombreux mystères pour les chercheurs et archéologues. Le site Oc-Eo est un lieu célèbre, connu par  de nombreux personnages à l'intérieur du pays aussi bien qu'à l'étranger. Il s'agit d'un vaste site antique, vestige du royaume Phù Nam, une nation puissante dans la région de l'Asie du Sud-Est d'environ 2000 à 3000 ans dejà….
Selon les sources chinoises il existe probablement une organisation politique dominante, appelée "Funan» par les Chinois, située dans la région du delta du Mékong. En conséquence, les découvertes archéologiques effectuées dans cette région ont été identifiées avec l'entité politique historique de Funan. Les découvertes à Oc Eo et les sites associés sont notre principale source de la culture matérialiste de Funan. L’historien Ha Van Tan s’est  demandé si les excavations prestigieuses à Oc Eo appartenaient à Funan, compte tenu de l'absence totale de tout document relatif à un royaume Khmer. Par contre il soutient que Oc Eo s’est progressivement affirmé comme centre économique et culturel du delta du Mékong et une place importante dans les routes maritimes du Sud-Est asiatique. Il est devenu un lieu de rencontre des artisans et commerçants, qui prévoyaient des conditions adéquates pour l'urbanisation, suivant les influences étrangères stimulées par le développement intérieur...
La conquête du Sud, qui a confirmé la culture du Sud-Ouest, s'est formé depuis la migration importante du peuple vietnamien à partir du 17ème siècle, menée par le seigneur Nguyen en provenance des provinces de Ngủ Qung - Qung Nam, Qung Bình, Qung Trị, Qung Đức (Thừa Thiên), et Qung Nghỉa (Quy Nhơn). Cette migration a ete combinée avec des nomades, après l'échec de la dynastie Ming (avant le régime Manchu était dirigé par les généraux Dương Ngạn Địch, Trần Thắng Tài et Mạc Cửu), ainsi que les migrations sporadiques dans le 15ème siècle du peuple khmer de diverses régions du Cambodge. La migration vers les rivières Tiền et Hậu, pour eviter le clan d’assassinat massif du seigneur Siam, la migration naturelle des musulmans (Chăm) à Châu Đốc, et des nomades de différentes communautés ethniques necessite la formation des villages ruraux. Par conséquent, l'identité culturelle de la région Sud-Ouest était vraiment formée. Grâce à l'intégration des différentes communautés ethniques, une  nouvelle culture et une économie à plus grande échelle s’est developpées au sud-ouest. C'était une culture régionale jeune, riche, multi-ethnique et multi-réligieuse. Malgré tout, les caractéristiques culturelles des groupes ethniques khmers sont encore restées dans de nombreuses zones rurales - en particulier les zones à caractère distinctif de Tra Vinh, Soc Trang, Bac Lieu, An Giang, Kien Giang et Ca Mau.
De l'hypothèse ci-dessus, nous pouvons déduire que nos ancêtres proviennent des soldats de Tây Sơn (pour éviter le massacre de l’empereur Gia Long en provenance de Ngủ Qung An Khê et Pleiku), de la migration des chinois de la dynastie Ming, de la migration des Khmers (pour éviter l'extinction du roi du Siam) et des seigneurs musulmans Chăm. Peu à peu, ils ont appris à cultiver, à construire des maisons et bateaux, à fabriquer le cuivre, le textile, la peinture, à sculpter des statues, à developper une pensée scientifique, même à créer leur propre langage. D’autre part, une longue histoire de plus de mille ans d'influence du Nord et plus de cent ans de domination française avait grandement contribué à la culture du sud-ouest.
Pour comprendre la culture du sud-ouest, il faut considérer les traits caractéristiques de l'homme. Car l'homme a crée son propre langage et son action a un impact profond sur la musique, la littérature, l'architecture, ainsi que les traditions et coutumes. Nous examinerons les caractéristiques culturelles des gens du sud-ouest et les coutumes telles que le festival du Nouvel An Lunaire, le festival de la mi-automne, le culte des ancêtres et l’anniversaire de leur mort, les mariages, le festival lunaire et course de bateau Ooc-Om Bok, le bouddhisme et  le temple à Châu Đốc, la musique folklorique et les marchés flottants de Cái Bè, Cái Răng, Ngã Bảy et Ngã Năm.                                                                                                                           
Marchés flottants de Cái Răng, Ngã Bảy, Cái Bè et Ngã Năm
A l'origine les habitants des provinces du sud-ouest se déplacaient principalement en bateaux sur les voies navigables. Puis ces voies navigables sont devenues le marché flottant avec le temps.
En parallèle avec Cái Bè et Phụng Hiệp, le marché flottant Cái Răng de la ville de Cần Thơ est devenu l'un des trois plus grands marchés dans le delta du Mékong. Les achats et ventes se transigent sur des bateaux de tailles différentes. Les différents marchés ont des traits particuliers.
Arrivé là, vous serez en mesure de sentir vous-même la vie animée/mouvementée ainsi que les activités du delta: des centaines de sampans, à proximité les uns des autres, transportent des marchandises, les fruits et les produits agricoles de toutes sortes, même le carburant. Par chance on peut également connaitre la vie quotidienne de nombreuses familles qui résident même sur les bateaux de ce marché.
Le marché flottant de Cái Răng est ouvert tous les jours et il est plus achalandé à partir de l'aube jusqu'à environ 9h. Les principales marchandises vendues sont des produits de ferme et des spécialités de Cai Rang et des régions voisines. Chaque bateau a un poteau, monté verticalement sur son arc, sur lequel sont suspendus des échantillons des marchandises exposées (cây bẹo) pour que les  acheteurs puissent voir les produits à vendre de loin.
Pendant les premières heures du marché, les grands bateaux sont  ancrés tandis que les plus petits se faufilent entre les grands. Le cours d'eau devient un labyrinthe de bateaux  chargés de mangues, des bananes, papayes, ananas, durians, ramboutan, et même des marchandises de contrebande comme les cigarettes. Les vendeurs n'ont pas besoin de crier pour presenter leurs produits puisse qu’ils peuvent être vus à grande distance. En effet, leur cris ne serait pas entendu dans le brouhaha de la rivière et le bruit des moteurs.   Les petites embarcations qui vendent de la bière, les boissons gazeuses et le vin, sillonnent à travers les autres bateaux pour desservir les acheteurs et les visiteurs.
Chaque bateau est chargé seulement d'articles saisonniers de la ferme. Les activités du marché sont également une occasion pour les touristes d'admirer/observer les aspects commerciaux de la population du sud-ouest.
Les marchés flottants font parti de la vie culturelle des gens du sud-ouest. Aujourd'hui, même avec de nouvelles routes, construites et mises en service pour un transport efficace, ces marchés existent encore dans la vie quotidienne des gens…

La musique folklorique du sud-ouest
La chanson principale qui supporte le Cải Lương (performance sur scène) est le Vọng cổ (littéralement traduit : la nostalgie du passé). Le Cải Lương connaît beaucoup de succès grâce à la voix douce des chanteuses, et il est très apprécié par l'auditoire. Après avoir entendu les premières notes de Vọng cổ, le public réagit avec une longue  serie d'applaudissements. Cải Lương est une forme de musique populaire sur scène qui a pris naissance dans le début du 20e siècle. Cải Lương a d'abord été joué par des amateurs dans la province de Bac Lieu avec la pièce « Dạ Cổ Hoài Lang » créé par l’artiste Cao Văn Lầu en 1919. En raison de leurs voix douces, les villageois du sud-ouest chantent le Cải Lương d’une facon très romantique.
La performance du Cải Lương comporte des danses, des chants et de la musique. Le Cai Luong a exercé une influence sur la musique populaire du sud-ouest puis les scènes de Cải Lương ont été enrichies avec des centaines de nouveaux morceaux de Vong Co combinés. Un orchestre de Cải Lương se compose de danakim et des guitares à frettes concave.
Le Cải Lương et le Vọng cổ existent encore aujourd'hui dans la région du delta du Mékong où les gens de campagne dont le style de vie est  peu occupé, avaient suffisamment de temps et conditions pour bénéficier de ce mode de divertissement. De ce fait, nous voyons que le Cải Lương et le Vọng cổ sont nés de la zone rurale en adoptant des vieilles chansons, puis les rénover en fonction des circonstances et des besoins locaux.
Au fil des ans, le Cải Lương a connu plusieurs changements et, par conséquent, est devenu une sorte de performance sur scène hautement appréciée par le peuple vietnamien ainsi que les touristes.

Chapitre 2 – Coutumes et Traditions

Le culte des ancêtres et l’anniversaire de la mort
Au moment où cet article est écrit, le culte de l'ancêtre dans la région  du sud-ouest a beaucoup évolué par rapport à celui de 1975.
Le culte des ancêtres reste un des fondements de la société du Sud-Ouest et Il s’apparente à une piété familiale. Dans chaque ménage, l’autel des ancêtres est installé dans un emplacement le plus solennel. Les gens du sud-ouest pensent que l'âme de nos ancêtres, même s'ils étaient morts depuis plusieurs générations, reste encore sur terre avec les descendants. Les morts et les personnes vivantes ont encore la communion spirituelle dans la vie quotidienne. Les gens ne doivent pas oublier que «ce qu’ils jouissent et qu’ils se sentent » sont les mêmes que pour leurs proches parents décédés.
Le jour d’anniversaire de la mort d'un ancêtre, les descendants se réunissent afin de préparer une cérémonie pour leur dire adieu et pour leur demander d’accorder la santé et le bonheur a eux-mêmes. De génération en génération, la tradition du culte des ancêtres a toujours été préservée. Il existe quelques variations dans les coutumes entre les groupes ethniques ou de religions, mais le thème commun de fidélité et de gratitude envers les ancêtres persiste.
La manière de montrer la gratitude envers nos ancêtres dépend des conditions socio-économiques de chaque famille. Par exemple, par la construction du tombeau de mon père, nous avions demontré les bonnes conditions économiques de notre famille, et ma mère était très fière de cela car les gens pensent que cette tombe est la plus belle et prestigieuse de la ville de Phụng Hiệp. Ceci a créé le sentiment de jalousie parmi les membres des autres familles. Ainsi, aujourd'hui, nous avons vu paraître plusieurs autres belles et prestigieuses tombes du cimetière.Toutefois, la valeur réelle d'une tombe se trouve dans l’entretien du tombeau par les descendants. La beauté de la tombe ne prouve pas seulement le succès au point de vue financier mais aussi le dévouement d'une famille de fondement moral élevé. A part du culte, pour les gens, la tombe de notre père a mis en évidence la bonté de notre famille.
Chaque année, à la date d’anniversaire de la mort des ancêtres, les gens du sud-ouest s’organisent chez eux une cérémonie pour se rappeler de leurs parents et grands parents décédés. Selon les traditions, nous devrons offrir les plats que les personnes décédées auraient aimé s’il étaient encore en vie, avec un bol de riz, sur son autel. C’est pour cette raison que les gens  du sud-ouest appellent cette cérémonie le «culte de riz ». Les invités ainsi que des membres de la famille se réunissent pour témoigner de bons souvenirs gardés avec le disparu. Le maître de cérémonie qui est souvent la tête de famille, bien habillé avec des vêtements neufs, examine soigneusement toutes les offrandes apportées par la famille avant de se mettre à genoux avec les mains jointes au niveau du front et prosterne devant l’autel, à quatre reprises. L'un des deux accompagnateurs qui est habituellement l’un des enfants ou descendants du defunt, debout d’un côté de l'autel, remet au chef de famille 3 baguettes d'encens, puis il regagne sa place habituelle. Le maitre de ceremonie allume ensuite les baguettes d'encens, s'agenouille, et avec les mains jointes, il  prosterne devant l’autel tout en priant pour les descendants. Les baguettes d’encens doivent être allumées avant que les aliments soient présentés sur l’autel. Le second accompagnateur ouvre la bouteille et verse du vin dans deux tasses, suivi d’une tasse d'eau.
Après la cérémonie, toute la famille se met à table mais il n’est pas question de commencer à manger avant que chaque convive soit servi. Par la suite les gens sont invités à gouter le repas qui se compose typiquement de poulet à la vapeur, soupe aux pousses de bambou, gateau de riz gluant appellé « banh tet » et fruits frais. Ils se remémorent avec leurs ancêtres.
En général, les gens du sud-ouest sont vraiment fiers du culte de leurs ancêtres car ceci leur donne la possibilité de communiquer et de développer des relations plus étroites et des souvenirs entre parents.
Je me souviens lors de la veille des funérailles de mon père, tous les parentes, du côté de mon père et de ma mère, sont réunis (ceux de Phong Dinh de cote de mon père et d’autres essentiellement de Sóc Trăng et Bạc Liêu du côté de ma mère) et un repas chaud servi a créé une bonne relation entre parents des deux côtés.
On peut dire aujourd'hui que le culte des ancêtres a joué un rôle très important dans la vie des gens du sud-ouest en particulier, ef celle des Vietnamiens en général.

Visite des tombeaux « Tết Thanh Minh »

La visite des tombeaux des ancêtres est une caractéristique particulière de la culture du sud-ouest, considérée comme «culte de nos ancêtres» qui est devenue une longue tradition. Malgré des conditions de vie difficiles, trois à quatre ans de travail éloigné du foyer, les habitants du sud-ouest n’oublieront pas de revenir chez eux pour la réunion familiale. Beaucoup de ménages du sud-ouest estiment que «Têt Thanh Minh » est une bonne occasion pour exprimer la gratitude à leurs grands-parents et raconter des histoires qui sont arrivés aux membres de leurs familles.
Au début du troisième mois, du calendrier lunaire (habituellement à la fin de Mars ou début d’Avril), le temps est appelé «Thanh Minh ». Thanh Minh signifie ciel fraîs et clair. C’est le moment, pour les gens de visiter la tombe de leurs ancêtres. Ils enlèvent les mauvaises herbes, nettoyent les arbres autour de la tombe, ou font des rénovations sur le tombeau des ancêtres de plusieurs générations. Ils croient que la tombe de leurs ancêtres est le foyer de la personne décédée. Par conséquent, ils décorent et faire l’entretien des tombes comme un lieu magnifique et approprié à vivre pour les defunts.

Le Nouvel An Lunaire (Tết)
Selon la tradition occidentale, Noël est le jour le plus solennel de l'année. La tradition asiatique célèbre le Nouvel An Lunaire à la place, et le nom du festival est Tet Nguyên-Đán. Le Tết est une fête très importante parce qu'elle donne une des rares pauses dans l'année agricole se situant entre la récolte et l'ensemencement de nouvelles cultures.
Le Têt est le plus grand et plus sacré festival. Pour les habitants du Sud Ouest, Tết est, par analogie, une combinaison de Noel, du Nouvel An et du Saint-Valentin. Tết, selon la tradition du sud-ouest s’oriente vers la famille. C’est le festival le plus excitant pour la majorité des gens du sud-ouest, car c’est le temps pour les membres de la famille de se réunir après une année d'absence et de brûler l'encens sur l'autel, pour honorer leurs ancêtres. C'est aussi le temps pour les gens de visiter et presenter des vœux de sante et prosperite à leurs voisins, amis et parents. Les jours du Têt sont toujours considérés comme une occasion pour apprécier les aliments traditionnels tels que le « bánh tét, bánh chưng » (gâteau de riz gluant), dont l'odeur seule pouvait fortement provoquer la nostalgie du Têt.
Les gens du sud-ouest ne disent pas «célébrer» en parlant du Têt ; le mot «manger» est utilisé à la place, comme expression. C’est pour cela que «rentrer à la maison pour manger du Têt» est devenu une tradition inoubliable. La nostalgie de l'enfance me rappelle les fleurs du Nouvel An disposées à vendre le long du fleuve de ma ville natale. Le centre de loisirs Hồ Nước Ngọt de Sóc Trăng offre une variété de jeux amusants pour enfants.
Lors de mon enfance Tết est souvent la partie la plus excitante de ma vie. La meilleure tenue neuve devait toujours être portée au premier jour de l'an. J’ai du mal à attendre le premier jour de l’an pour porter les vêtements neufs ainsi que des chaussures pour visiter nos parents de Phong Dinh. Après les visites, nous sommes souvent rentrés à la maison avec beaucoup d'enveloppe rouge « lì xì ». Tết est devenu une angoisse pour ceux qui n’ont pas une situation financière confortable quand ils pensent au « lì xì ».  Ma famille a bien préparé d'avance pour le nouvel an en faisant le ménage de la maison, le polissage du cuivre et de l'argenterie et surtout de rembourser toutes les dettes, si possible.
Tết crée aussi une occasion d’envoyer les messages de félicitations et de vœux de Bonheur et Prosperité entre amis et parents. Il est de tradition d’offrir des enveloppes rouges qui symbolisent la chance et la richesse. Il s'agit d'une pratique culturelle des gens du sud-ouest qui a été maintenue depuis des générations. Il est très fréquent de voir des personnes âgées donnent des enveloppes rouges scellées aux jeunes enfants avec de l'argent dedans. Avant que les jeunes puissent recevoir les enveloppes, ils doivent formuler des vœux de Santé et Bonheur aux personnes agees.
La cérémonie officielle du Têt a lieu le premier jour de l’an, avant midi. Le chef de famille doit effectuer le rituel approprié (la nourriture, le vin, des gâteaux, des fruits et des baguettes d'encens), pour inviter l’âme des ancêtres à participer à la fête avec la famille. Tết est aussi le temps d’honorer l’âme des ancêtres et de présenter le bien-être de la famille.
Les fleurs sont les symboles du nouvel an. Hoa Mai est la fleur spéciale couramment achetée pour le Têt. Hoa Mai est une sorte de fleur jaune abricot poussant souvent dans le sud du Viet Nam. Hoa Mai est plus adaptable au climat chaud, elle est donc connue comme la fleur principale dans chaque foyer. Hoa Anh Dao sont les fleurs roses qui poussent mieux au Nord du pays. Tết n'est pas le Tết s’il n'y a pas de « Hoa Mai » (sud) ou « Hoa Anh Đào » (nord) dans chaque foyer.
Je me souviens que ma mère approvisionnait toujours les ingrédients requis quelques semaines à l'avance pour faire des « banh tet » (gâteau de riz gluant), de l'encens, de fruits divers. L'ambiance du Têt pourrait être ressentie partout un mois avant le Têt dans la région du sud-ouest. Pour les jeunes filles et garçons, le Têt est l'occasion idéale pour faire connaîssance et parfois devenir les nouveaux amants ...
Giao Thừa est le moment le plus sacré de l'année. Par conséquent, la première personne visitant notre foyer le jour de l’An (xông đất) est très importante. Si cette personne en particulier avait une bonne réputation (bien respecté, bien éduqué, réussi, célèbre, etc), on croirait qu'il apportera la chance, le bonheur et la prospérité à la famille pendant toute l'année. La croyance de « xông-đất » ou « xông-nhà » demeure encore aujourd'hui une tradition, surtout chez les familles d’affaire. Aussi, il y a une croyance commune que durant les trois premiers jours du Têt, il n'est pas permis de faire le ménage de la maison parce qu’un tel geste débarrassera la bonne fortune et les chances de la famille…

Festival de la Mi-Automne
Le Festival de la mi-automne est une célébration de l'enfant dont les adultes peuvent aussi se joindre. C’est un festival de la Lune avec gâteaux de lune. Les gâteaux de lune ou «gâteaux de la mi-automne» consistent en un mélange de fruits secs et d’autres ingredients enveloppés dans une pâte fine en forme de pleine lune, à environ deux ou trois pouces de diamètre et un demi-pouce d'épaisseur. Selon une coutume établie de longue date, ces gateaux doivent être échangés entre parents et amis aux jours précédant le Festival de la mi-automne.
À compter du début du huitième mois du calendrier lunaire, les marchés du Sud-ouest sont remplis des gens qui se préparent pour le festival de la Mi-Automne. Les lanternes, gâteaux de lune, gâteaux de noix de coco blanc, sont vendus partout dans les magasins magnifiquement éclairés. Les rues sont envahies d’acheteurs et des piétons qui flânent en bousculant les uns les autres comme dans les vrais jours du festival.
Outre les lanternes de papier assortis, les gâteaux et les bonbons, il y a aussi des jouets sous forme d’animaux faits de pâte de riz, la tête de dragon (licorne) et le visage du Dieu en papier sont affichés partout dans les marchés. Dans les familles riches, un banquet est organisé en vue de démontrer des aptitudes de cuisine de leurs filles nubiles. Il s'agit d'un spectacle vraiment animé. C'est un festival intéressant pour les enfants et le plus agréable à regarder pour les adultes.
Dans de nombreux pays occidentaux, il y a une fête spéciale pour les enfants appelée Halloween. En ce jour, les enfants se déguisent en sorciers, surhommes, monstres, ils pullulent dans de nombreux groupes, pour effrayer les gens tout en demandant des bonbons. Quel spectacle amusant !
Toutefois, Halloween se ressemble plutot à la fête de Vu-Lan au Vietnam. Selon la superstition mondaine, le jour Vu Lan a pour but de libérer les esprits pour une nouvelle vie, afin de passer un bon moment. Ainsi, chaque famille se prépare à la fête avec les offrandes aux esprits. Les offrandes sont ensuite distribuées aux enfants et aux personnes pauvres.
L'accueil pendant le festival lunaire, le soir, est une bonne occasion pour les enfants non seulement d’apprécier la nourriture, mais aussi d'apprendre davantage la facon de faire les choses de leurs grands-parents et parents. On leur montre préparer le party de la manière la plus attrayante. Pour décorer le party, il y a toujours un «docteur» en papier ou en pâte, qui rappelle aux enfants les performances élevées obtenues dans leurs études. Le temps de profiter de la fête est solennellement partagé par toute la famille et devient le moment le plus sacré du Festival. Au clair de lune et la sérénité de l’endroit, tout le monde est détendu avec une joie pure et détachée

Le Mariage et l’engagement
Dans l'ancien temps de la région du sud-ouest, le mariage était incompatible à la civilisation actuelle. Le couple s'est marié très jeune, disons de 14 à 15 ans. C'est pourquoi les familles de nos grands-parents avaient beaucoup d'enfants et ils pensaient que c'était le bonheur d'avoir beaucoup d'enfants. Le développement intellectuel n'avait pas ete atteint et ces jeunes s’étaient déjà mariés. Beaucoup de filles dont la bouche est toujours entachée de lait, sont devenues femmes des garcons des autres familles. Ainsi, le bébé né de  mariage précoce est difficile à élever à cause d’un corps faible ou d'invalidité qui résulterait en une race inférieure. En outre, étant seulement à l’âge scolaire, pour apprendre à vivre et a progresser en bonne famille, ces enfants se marient jeunes et ne pouvent ainsi attendre qu’un manque de la matière intellectuelle dans l'avenir de leurs enfants.
Aujourd'hui, les garçons et les filles ont tendance à se marier à l'âge plus avancé. Le mariage a été et continue d'être un événement important dans la vie des gens du sud-ouest. La cérémonie du mariage d’antan était très compliquée et considérée comme moins civilisée. Tout d'abord, il y avait une cérémonie de proposition («đám hỏi » équivalent à l'engagement occidental), à laquelle la famille du marié apportait des offrandes pour demander la main de la mariée. Après quoi le jeune couple a été considéré d'être engagé. Puis, il y avait une cérémonie au cours de laquelle la famille du marié apporte des fleurs et des fruits aux parents de la mariée.
La célébration principale aura lieu à une date préalablement sélectionnée et c’est à ce moment que la famille du marié irait à la maison de la mariée. Le lendemain du mariage, le couple s'est rendu à la maison de la fiancée pour le culte de ses ancêtres.
A l’époque les cérémonies de mariage ont été très coûteuses mais aujourd'hui, elles ont tendance à être beaucoup plus simples.
L'engagement ou fiancaille est une cérémonie importante avant le mariage, qui ne concerne que les familles du marié et de la mariée. Dans le passé, la cérémonie des fiançailles a été jugée aussi importante que la cérémonie du mariage parce que c’était la journée officielle pour annoncer le mariage et la relation future entre deux familles. De nos jours, les fiancailles sont moins importantes et elles varient selon la coutume de chaque région. Dans les grandes villes, la cérémonie d'engagement pouvait être célébrée seulement 1 jour (et 1 mois dans les campagnes) avant celle du mariage.
Avant le jour de l'engagement, chaque famille choisit un représentant. Cette personne est un membre de la famille qui a une vie heureuse, possédant une belle personnalité et occupe un  haut rang dans la famille. Les deux représentants présentent leurs familles respectives, échangent les cadeaux et contrôlent  la cérémonie. Outre le choix des représentants, les deux familles se mettent ensemble pour négocier la date et le moment opportun pour la cérémonie. Le moment est soigneusement choisi en fonction du moment propice sur le calendrier lunaire.
Dans le passé, un garcon de 20 ans et une fille de 18 ans seraient considérés comme un couple idéal. Aujourd'hui, les femmes ont tendance à se marier plus tard car elles sentent la nécessité d’avoir une carrière avant le mariage. Donc l’âge est poussé de cinq ou même dix ans pour les gens qui habitent en ville. Les couples de classe ouvrière dans les campagnes ont toujours tendance à se marier plus tôt.
La première étape du mariage commence généralement lorsque les parents du jeune marié consultent un voyant pour voir si le couple est destiné à vivre ensemble comme mari et femme. Si oui, ils vont demander officiellement la main de la jeune femme. Les parents de la jeune femme exigent généralement  une somme d'argent pour couvrir le coût des préparatifs du mariage.
Les Vietnamiens du sud-ouest estiment que certaines journées sont particulièrement plus favorables que d’autres, d’où le choix de la journée appropriée pour les fiancailles et le mariage est aussi un défi pour le voyant.
La cérémonie de mariage démarre en face de l'autel. La mariée et le marié devraient s'agenouiller et demander la permission à leurs ancêtres de se marier, ainsi que la bénédiction de leurs familles. Le couple se retourne et
prosterne devant les parents de la mariée en guise de remerciement pour l’education et la protéction, donnes a la mariee, depuis sa naissance. Ils s'inclinent ensuite l’un à l'autre, pour exprimer leur gratitude et leur respect envers la vie future comme mari et femme. Le Maître de la cérémonie donnerait alors les conseils aux mariés sur la nouvelle vie de couple. Les parents du marié et ceux de la mariée seraient presents tour à tour pour partager leur expérience et donner la bénédiction. Puis le marié et la mariée échangeraient leurs bagues de mariage. Les parents donneraient aussi aux nouveaux mariés les dons tels que les bracelets d'or, boucles d'oreilles, collier, etc... La cérémonie est ensuite terminée par un applaudissement.
Aujourd'hui, beaucoup de couples vietnamiens ont leur cérémonie de mariage faite dans les temples, pagodes ou églises, de la même façon que les coutumes  occidentales y compris la location de Mercedes-Benz pour acceuillir la mariée, l'échange des vœux et des anneaux de mariage. Toutefois, ces couples  maintiennent toujours une cérémonie traditionnelle dans la maison de la mariée avant de se diriger vers des temples ou des églises…
                     
Chapitre 3 – Festivals

Le festival lunaire Ooc-Om Bok avec course navale
Le festival Ooc-Om-Bok est une coutume plutôt réligieuse qui a pour but de remercier la lune de la minorité khmère et de prier pour la bonne chance, le bonheur, le beau temps et les récoltes exceptionnelles. Le festival a généralement lieu lorsque la saison sèche commence et lorsque le riz est mûr dans les champs.
L'objectif principal de ce festival est de prier la lune pour avoir des récoltes lucratives, d’abondants poissons de rivières, ainsi qu'une bonne santé pour les villageois.
La cérémonie du culte a lieu le 14eme soir du 10e mois lunaire, avec tout le monde regarde’ vers la lune. La cérémonie a lieu dans la cour de la pagode ou des foyers. Les gens érigent les poteaux de bambou avec une barre transversale décorée de fleurs et de feuilles. Sur une table il y aura des offrandes qui comprennent des flocons de riz vert, des pommes de terre, des bananes, des noix de coco, des pamplemousses, des oranges et des gâteaux. Les gens sont assis sur le sol avec les jambes croisées et les mains jointes, devant l'autel tout en regardant la Lune. Un vieux maître de cérémonie fait sa prière, demande à la déesse lunaire d’accepter les offrandes et de bénir les gens.
Après la cérémonie, les vieux demandent les voeux des enfants de la maison, assis sur le sol avec les jambes croisées devant l'autel. Les vieux prennent alors une poignée de riz vert, distribuent des aliments à chaque enfant et leur demandent ce qu'ils veulent en tapant sur leurs dos. Si les enfants répondent à la question clairement et poliment, tous les meilleurs vœux seront avec eux cette année. Après cela, les gens dégustent ensemble les offrandes, et les enfants jouent, chantent et dansent au clair de lune. Ceux qui visitent les maisons rouges à cette occasion auront la chance de déguster « cốm dẹp » (une sorte de riz gluant tapés). Aux pagodes des Khmers, les habitants lancent et libèrent les lanternes en papier dans le ciel et dans les rivières. La coutume de la libération des lumières volant et des lumières flottant est vue comme pour balayer les ténèbres, les impuretés et la tristesse du village. De nombreuses activités traditionnelles des Khmers sont organisées dans la soirée du 14ième jour.
Parallèlement à la libération des lumières, les habitants de Soc Trang ont aussi organisé des courses de bateau «ghe ngo » avec la participation de nombreuses équipes venant des villages ou des provinces avoisinantes. Avant de mettre le «ghe ngo» à l'eau, les athlètes doivent faire la répétition à la nage sur la plate-forme en bois montés sur un grand fossé. Cette pratique est requise pour synchroniser le rythme des membres de l'équipe et améliorer la commande du capitaine. Une semaine avant la course, les moines viennent pour faire une «cérémonie de Niec » permettant aux équipes de mettre les pieds dans l'eau du fleuve. Durant la course, chaque bateau tente d'obtenir une meilleure piste sur l'eau. Il est absolument impératif de ne pas laisser le nez du bateau de l'adversaire touchér leur propre bateau parce qu'ils avaient peur de la «magie noire» de l’adversaire qui pourrait parfois rompre leur bateau. Selon la tradition, lorsque les deux bateaux se touchent pendant la course et s'il y a une intention de toucher les autres en provenance d'un de ces bateaux, l'arbitre jugerait un classement égal pour les deux bateaux.
Pendant la course de bateau, le commandant dirige le bateau sur la bonne voie et synchronise le rythme de l'équipe, ce qui détermine la performance du bateau. La vitesse du bateau pourrait atteindre plus de 30km / h et le bateau pourrait facilement tourner à travers avec une mauvaise commande, surtout dans les virages raides. La technique de construction des bateaux est tout à fait un secret et n’est connue que par les artistes, en particulier l'art d'utiliser les bois résistants. Afin d'obtenir le poste de commande, le commandant est non seulement une personne avec un corps bien bâti mais il doit aussi être un grand bénévole contribuant beaucoup d’efforts et de l’argent au village.
Au long du fleuve Maspéro, sur une distance d'environ 5 km la rue est envahie par les fans qui faisaient du bruit pour animer la « rivière de lune ». Il est très difficile de trouver une place pour le spectacle. Beaucoup de gens ont grimpé sur les toits des maisons, sur les arbres ou ils ont nagé dans la rivière pour voir la course de bateau. A la veille de la course, des milliers de Khmers qui ne pouvaient dormir, commencent à errer autour de la ville de Soc Trang... dans le but de voir les expositions khmères et les costumes ethniques de la province de Soc Trang….
                                  
Le Bouddhisme et le Temple de Dame Chúa Xứ Châu Đốc 

L'idéologie bouddhiste ne préconise pas la pratique d'adorer Dieu sous une forme physique. C'est pourquoi, bien souvent, ce n'est pas vraiment considéré comme une réligion dans le sens normal. Les principes de base de l'enseignement bouddhiste sont simples et pratiques - rien n'est fixe ou permanent; chaque acte a des conséquences, l’amélioration est possible. Elle enseigne des méthodes pratiques, comme la méditation, qui permettent aux gens de réaliser et d'utiliser ses enseignements afin de transformer leur expérience. On leur apprend à être pleinement responsables de leurs vies et à développer les qualités de gentillesse et de compassion. Dans cet article nous avons juste l'intention de donner aux lecteurs un aperçu du bouddhisme. Ainsi, cet article se concentre principalement sur les bons moments de bonheur et des événements importants qui ont marqué la vie des gens du sud-ouest. Quoi qu’il en soit les vietnamiens du sud-ouest respectent les lieux de culte comme pagodes, temples, églises, etc…
Selon ma mémoire les bouddhistes célèbrent annuellement deux festivals majeurs à part du Nouvel An Chinois, soit l’anniversaire du Buddha et le pèlerinage au « temple de Dame Chúa Xứ ». Cet anniversaire de Bouddha a été organisée dans la région du sud-ouest à grande échelle et considérée comme une fête nationale. En fait l'introduction au début du bouddhisme au VietNam, la cérémonie d'anniversaire de Bouddha a déjà été honorée. L'image de Bouddha a été affichée pour l'admiration publique des bouddhistes afin de montrer l'esprit du bouddhisme et de la morphologie de la confession. Par conséquent, l’anniversaire de Bouddha est essentiel pour les gens du sud-ouest. Une part, cela aide les gens quand ils voient l'image de Bouddha, à trouver le Bouddha en eux-mêmes, d'autre part cela nous aidera à communiquer à travers tous les niveaux de la société et de les rapprocher dans l'esprit de compassion, de gentillesse, avec un proverbe habituel «peu importe où l’on travaille, tout le monde se rassemble à la pagode le 8 avril ».
Chaque année du 25 au 27e jour du quatrième mois, les habitants du sud-ouest et nombreux pèlerins venant des provinces du sud se dépêchent vers le temple « Bà Chúa Xứ Châu Đốc ». Cette coutume existe depuis des centaines d'années. Nous ne pouvions pas attendre jusqu'à demain matin pour prendre la route pour le départ d'un long pèlerinage. Des milliers de pèlerins ont pris la route avec un seul objectif en tête, affluent vers la ville de Châu Đốc pour célébrer la « Bà Chúa Xứ Châu Đốc ».
Aujourd'hui, nous vivons dans un monde stressant où les gens doivent travailler très dur physiquement et mentalement. La vive concurrence qui se passe partout. La vie quotidienne d'une personne est pleine de frustration mentale, les soucis, les misères, les angoisses, les tensions et la peur. Ces festivals nous aident donc à trouver la paix de l’esprit et la relaxation spirituelle.
Selon l'auteur, la pensée la plus importante dans toutes les religions est «la foi» ou parfois « la confiance en soi ». C’est peut être une croyance en Dieu, en Bouddha ou le plus important est « la confiance en soi ». Pour avoir la confiance en soi il faut d'abord gérer son propre succès, et  faire connaître ses forces et la beauté dans son cœur. Pour conquérir la «confiance-en-soi», nous devons vivre de manière significative à chaque instant de notre vie, apprendre à être utile a soi-même et aux autres. Nous devons laisser s'en aller notre estime de soi et l'égoïsme et être prêt à intégrer à la collectivité publique. Si nous avons une vie intérieure solide, la confiance en soi n'est pas un problème.
Puis, la foi avec connaissance de cause, est toujours un élément important du succès…

Mots de la fin
Si chacun d'entre nous pouvait voir que notre facon de vivre nous éloigne de l’évolution et de l’histoire du pays, nous nous sentirons un jour l’effet du  « retour à la source » et le besoin de retourner à  la «terre natale de nos ancêtres» et même à la région du sud-ouest où «nos ancêtres» ont travaillé durement pour développer et construire notre pays. C’est tout comme l’empereur chinois qui représente la Chine, le Soleil qui représente le Japon et le roi de Dragon et la Fée représentant les ancêtres des Vietnamiens.
Etant originaire du sud ouest, j'ai toujours eu la fierté de notre région avec la nostalgie de vivre parmi les diverses communautés de plusieurs races différentes. Nous sommes très fiers de l'identité vietnamienne et parmi les communautés vietnamiennes, nous sommes fiers d'être un enfant du sud-ouest.
La nostalgie du pays réside dans notre sang et notre peau. La région du sud-ouest est l'endroit où nous sommes nés et avons grandi, où il y avait des rizières vertes remplies de couleur doré des épis de riz, avec des oiseaux qui volent hauts et les fruits verts. C’est aussi l’endroit où les enfants se rejouissent de nager dans la rivière et qui nous rappelle que nos parents y vivent encore. C’est comparable à un expatrié qui n'oublie jamais les dictons populaires (ca dao), les 6 phrases de « sáu câu vọng cổ» de quelqu'un dans la rivière, le  poème recite par une mère dans un après-midi chaud de la région du sud-ouest et de la culture vietnamienne.
Etant longtemps à l'étranger et absorbant/imprégnant la culture occidentale, nous avons utilisé l’expression telle que « manger à la chinoise, vivre dans les villas français et bénéficier le confort américain » pour exprimer la nouvelle vie civilisée. Mais, à la fin « nous voulons tous retourner dans notre pays pour vivre ». Ces mots ne signifient pas que la vie du sud-ouest est meilleure que celle des pays occidentaux. En fait, la population du sud ouest est encore très pauvre, et notre pays manque beaucoup de confort physique. C'est pourquoi nous souhaitons toujours avoir des conditions de vie meilleures au sud-ouest... Etant un originaire du sud-ouest, vivant à l'étranger, c'est notre responsabilité de préserver, de promouvoir et de développer  l’identité culturelle du sud-ouest.
 Captivé par des souvenirs détaillés de l'homme dans le mi-50 vivant à l'étranger qui cherche tourjours à comprendre en profondeur l'origine de la région sud- ouest, les fameuses musiques populaires (6 cau cong co) imprégnées dans la mémoire, la vie paisible du village inoubliable. Je pense que la culture d'un pays est perdue, les gens ne reconnaissent plus leur identité, et la jeunesse de la prochaine génération se demande d’où vient notre culture et  vers quel horizon nous sommes dirigés….
Nguyễn Hồng Phúc

Commentaire et modification dirigés par des anciens amis:
Nguyễn Tuyết
Cathy Phan
Huỳnh Ngọc Minh
Trần Thu Hương
Prof.  Nguyễn Chí Thân

Documents de référence:
1.      Tìm hiểu đất Hậu Giang – Nhà Xuất bản Phù Sa, Sài gòn 1959. Sơn Nam. Pages 25-35
2.      Việt Nam Sử Lược – Trần Trọng Kim. Bộ Giáo-Dục Trung Tâm Học Liệu xuất bản -1960. Pages 137,139,140
3.      VietNam Tourist Guidebook
4.      http://www.dulichanz.com/Cho-noi-Net-dac-trung-cua-song-nuoc-mien-Tay/
10.   http://muaban.ccom.vn/showthread.php?t=2918
11.   http://www.lyhocdongphuong.org.vn/News/03/Tuc-chon-nguoi-xong-nha-dau-nam/7/2197/
12.   Lịch sử Việt Nam – Phan Huy Lê, Trần Quốc Vượng, Hà Văn Tấn, Lương Ninh. Nhà Xuất bản Đại Học Chuyên Nghiệp Hà Nội 1991
13.   Việt Nam Văn Học Sử Yếu – Dương Quãng Hàm. 1941 Nhà Xuất bản Xuân Thu.
14.   A History of VietNam from Hong Bang to Tu Duc. Oscar Chapuis. Greenwood Press 1995
15.   Việt Sử Toàn Thư - Từ Thượng Cổ đến Hiện Đại – Phạm Văn Sơn. Nhà Xuất bản Xuân Thu – 1960. Page 370
16.   VietNam-Culture.com. Đọc từ tài liệu Internet

Nguyễn Hồng Phúc - Sưu tầm & Nghiên cứu

Hiệu ứng tuyết rơi